Các chuyên gia cho rằng, kỹ thuật BNCT dựa trên ý tưởng đưa hợp chất chứa Bo-10 vào tế bào ung thư, sau đó chiếu xạ chùm nơtron lên khối u. Các nơtron sẽ bị hạt nhân Bo-10 bắt tạo ra phản ứng hạt nhân sinh ra hạt alpha và hạt nhân giật lùi Li. Hạt alpha và hạt nhân giật lùi Li có quãng chạy rất ngắn trong phạm vi kích thước tế bào nên sẽ tiêu diệt tế bào ung thư, mà không làm ảnh hưởng các tế bào lành bên cạnh. Đây là ưu việt của kỹ thuật BNCT so với các kỹ thuật xạ trị khác.
Kỹ thuật BNCT đã được sử dụng trên lò phản ứng ở một số nước trên thế giới như Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trong 02 thập niên gần đây, kỹ thuật này đã được ứng dụng để chữa trị cho trên 1.000 bệnh nhân ung thư và có nhiều tiến bộ trong việc tối ưu hợp chất của Bo-10 cả trong sử dụng và kiểm soát hàm lượng Bo-10 trong các khối u. Tuy nhiên, nhiều lò nghiên cứu đã dừng hoạt động hoặc là không còn tiếp tục sử dụng BNCT nữa do các khó khăn trong việc kết nối cơ sở lò phản ứng với bệnh viện trong điều trị bệnh nhân ung thư cũng như hiệu quả sử dụng lò phản ứng cho xạ trị BNCT. Hiện tại, trên thế giới chỉ còn 4 lò phản ứng sử dụng BNCT cho điều trị ung thư tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc và Argentina. Một số thiết bị BNCT dùng máy gia tốc đã và đang được sử dụng phục vụ điều trị bệnh ung thư (Nhật Bản, Phần Lan, Trung Quốc) và rất nhiều thiết bị BNCT đang được xây dựng ở một số nơi trên thế giới.
PGS.TS Vương Hữu Tấn - Hội Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết, công nghệ BNCT trên lò phản ứng sử dụng nơtron nhiệt trong điều trị ung thư não đã được triển khai thành công tại Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện nay nhiều lò phản ứng ở Nhật Bản đã không còn sử dụng cho việc BNCT. Trên cơ sở tổng quan tình hình trên thế giới, PGS.TS Vương Hữu Tấn cho rằng, Việt Nam chỉ nên phát triển công nghệ này trên cơ sở sử dụng máy gia tốc chứ không phải trên lò phản ứng với lý do kỹ thuật này sử dụng trên lò phản ứng thì không hiệu quả do thời gian điều trị lâu (chỉ điều trị được 1-2 người/ngày), chi phí vận hành thiết bị đắt và môi trường lò phản ứng không thân thiện đối với bệnh nhân khi phải tới lò phản ứng điều trị, chưa tính đến việc phải xây dựng hạ tầng để phục vụ bệnh nhân trước và sau khi điều trị bằng BNCT trên lò phản ứng. Trong khi sử dụng công nghệ BNCT dựa trên máy gia tốc thì hiệu quả hơn nhiều (thời gian điều trị ngắn, mỗi ngày có thể điều trị 10-15 người), chi phí đầu tư và vận hành thấp, có thể xây dựng máy gia tốc trong môi trường bệnh viện nên rất thân thiện với bệnh nhân, hạ tầng bệnh viện cũng thuận tiện trong việc chăm sóc bệnh nhân trước và sau khi điều trị bằng kỹ thuật BNCT.
Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế - xã hội, trong đó có y tế. Vì vậy, các chuyên gia kiến nghị Bộ cần xem xét để có thể đưa việc phát triển công nghệ BNCT vào trong Quy hoạch này, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư trong tương lai.
Đỗ Cương