Thứ bảy, 10/08/2019 16:24

KH&CN phục vụ phát triển tài nguyên dược liệu trên địa bàn Đà Nẵng

TS Vũ Thị Bích Hậu

Phó Giám đốc Sở KH&CN TP Đà Nẵng

 

Việc sử dụng các nguyên liệu thảo dược tự nhiên giúp tăng tính an toàn, đảm bảo sức khoẻ cho mọi người đang trở thành xu hướng chung trên toàn thế giới. Nắm bắt được vấn đề này, thời gian qua TP Đà Nẵng đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp dược địa phương tăng cường sản xuất, phát triển thị phần trong và ngoài nước.

KH&CN phục vụ phát triển cây dược liệu tại TP Đà Nẵng

Hiện nay, môi trường sống ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ con người, do đó việc ưu tiên sử dụng các sản phẩm thiên nhiên đang là xu hướng chung trên toàn thế giới. Các thành phần hoá học đang dần được thay thế bằng các nguyên liệu thảo dược tự nhiên với độ an toàn cao, đảm bảo sức khoẻ cho mọi người. Nắm bắt được vấn đề này, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND ngày 13/4/2017 phê duyệt 7 địa điểm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn, với tổng diện tích hơn 500 ha, trong đó có 2 vùng trồng cây dược liệu tại các huyện Hòa Ninh, Hòa Phú. Song song với đó, TP đã ban hành nhiều chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân ứng dụng KH&CN, nhất là công nghệ mới vào thực tiễn bảo tồn, phát triển cây dược liệu, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất dược phẩm, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao giúp bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Cụ thể:

Đề tài “Đánh giá thực trạng cây dược liệu trên địa bàn TP Đà Nẵng và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát triển” do Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng chủ trì, phối hợp với Hội Dược liệu TP Đà Nẵng và Viện Dược liệu triển khai thực hiện. Kết quả điều tra đã ghi nhận ở TP Đà Nẵng có 1.117 loài và dưới loài có công dụng làm thuốc, thuộc 681 chi, 207 họ, 11 ngành thuộc 2 giới nấm và thực vật. Kết quả này đã bổ sung hơn 50 loài cây dược liệu so với các nghiên cứu trước đây tại địa phương, trong đó có 6 loài mới được bổ sung cho hệ cây dược liệu Việt Nam (chưa có trong danh lục cây dược liệu mà Viện Dược liệu công bố năm 2016), đồng thời chỉ ra được 25 loài/nhóm loài cây dược liệu mọc tự nhiên tại TP Đà Nẵng có giá trị sử dụng và tiềm năng kinh tế cao, 30 loài cây dược liệu có giá trị bảo tồn. Trên cơ sở điều tra, nhóm thực hiện đề tài đã biên soạn bộ sách “Cây dược liệu Đà Nẵng”, giới thiệu tóm tắt kết quả nghiên cứu và thông tin chi tiết về 300 loài cây dược liệu thông dụng tại Đà Nẵng, hiện đang chuẩn bị xuất bản.

Kết quả điều tra của đề tài chính là cơ sở để UBND TP ban hành chủ trương bảo tồn và khai thác bền vững cây dược liệu có trong tự nhiên. Bên cạnh đó, việc xây dựng mô hình trồng cây dược liệu trong các khu vực được quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng, bởi nguồn cây trong tự nhiên có hạn, muốn đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao phải đưa vào sản xuất đại trà. Do đó, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng đã phối hợp với Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng triển khai đề tài KH&CN cấp TP “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng một số loài cây dược liệu tại TP Đà Nẵng”. Hiện tại, đề tài đã xây dựng thành công 3 mô hình trồng bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý hiếm (Ba kích, Sâm cau, Mật nhân) phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình, qua đó góp phần vào công tác bảo tồn và bảo vệ rừng, nâng cao đời sống nhân dân vùng đệm và bảo tồn tri thức bản địa trong việc sử dụng các loài thực vật làm thuốc.

Cũng trong nỗ lực bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Đà Nẵng, việc trồng dược liệu Nghệ vàng và Đinh lăng đang là hướng đi mới của Công ty cổ phần Dược Danapha với định hướng tạo ra những giống cây hợp thổ nhưỡng theo quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đồng thời giúp tạo việc làm cho người dân địa phương. Đây là kết quả của dự án “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất dược liệu Nghệ vàng và Đinh lăng tại huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 (Chương trình Nông thôn miền núi) đã được Bộ KH&CN phê duyệt. Dự án đã phát triển được 10 ha trồng dược liệu, trong đó có 5 ha Nghệ vàng và 5 ha Đinh lăng, đồng thời xây dựng được quy trình từ trồng trọt, chăm bón tới thu hoạch, bảo quản, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Điểm đặc biệt là, cơ quan chủ trì đã huy động được các nguồn lực để triển khai 3 ha trồng dược liệu ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Đây được coi là mô hình tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao vào trồng và phát triển cây dược liệu ở nước ta.

Ngoài ra, 2 nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu nuôi trồng dược liệu Trinh nữ hoàng cung và Kim tiền thảo tại TP Đà Nẵng”, “Bào chế viên nang mềm chứa hệ tiểu phân nano nang hóa cao chiết Kim tiền thảo giúp phòng và điều trị sỏi thận - sỏi mật” do Danapha chủ trì cũng là một cách đi mới, thể hiện rõ vai trò của doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi giá trị trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Không chỉ xây dựng thành công vùng trồng dược liệu, các nhà khoa học của Danapha còn hoàn thiện quy trình chiết xuất và tiêu chuẩn hóa cao chiết Kim tiền thảo, thiết lập công thức và xây dựng quy trình bào chế hệ tiểu phân nano chứa cao chiết Kim tiền thảo ổn định, dễ dàng nâng cỡ lô trên quy mô công nghiệp. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất viên nang mềm, nang hoá cao chiết dược liệu Kim tiền thảo với hiệu quả điều trị cao và nâng cao tính cạnh tranh so với các sản phẩm sản xuất từ dược liệu khác. Để đảm bảo chất lượng đầu ra, Danapha đã đầu tư xây dựng một nhà máy chiết xuất, sản xuất thuốc đông dược đạt chuẩn GMP-WHO hiện đại, hoàn thiện từ khâu đầu sơ chế, chế biến dược liệu, chiết xuất, bào chế đến thành phẩm. Đồng thời đầu tư nhiều máy móc thiết bị tiên tiến như hệ thống sắc ký khí khối phổ GCMS, hệ thống sắc ký lỏng siêu hiệu năng (UHPLC), máy quang phổ hồng ngoại (FTIR)... và đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn cao, kỹ năng tốt cho phòng kiểm tra chất lượng đạt liêu chuẩn GLP. Sự đầu tư và chuẩn bị hạ tầng, công nghệ bài bản như vậy là cơ sở vững chắc để đảm bảo công tác thương mại hóa kết quả đầu ra của đề tài. Sự thành công của đề tài được các chuyên gia đánh giá là bước khởi đầu trong việc ứng dụng công nghệ nano vào ngành sản xuất dược phẩm nước nhà, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm thuốc đông dược.

Thêm vào đó các đề tài “Đánh giá hiệu quả điều trị nghiện ma túy bằng châm cứu, thuốc nam kết hợp dạy nghề giúp việc lương y - lương dược tại Trung tâm Giáo dục Dạy nghề 05-05”; “Nghiên cứu bào chế viên hoàn Sâm nhung tán dục đơn và đánh giá hiệu quả điều trị trên bệnh nhân suy giảm số lượng và chất lượng tinh trùng  tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP Đà Nẵng”... đã góp phần tô điểm cho bức tranh về dược liệu của TP Đà Nẵng thêm nhiều điểm tích cực. Nhưng nhìn chung việc ứng dụng KH&CN trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Đà Nẵng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Từ năm 2010 đến nay, trong hơn 100 nhiệm vụ cấp TP được triển khai thực hiện, chỉ có 4 nhiệm vụ về nghiên cứu bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Qua đó cho thấy, việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn còn manh mún, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Mặc dù công tác quy hoạch phát triển đã có một số tín hiệu bước đầu lạc quan, nhưng vẫn còn quá sớm để nói về các kết quả các nghiên cứu sẽ được phát triển ứng dụng bền vững, nếu không được triển khai đồng bộ cùng với nhiều hướng tiếp cận khả dĩ khác.

Một số giải pháp góp phần bảo tồn và phát triển cây dược liệu tại Đà Nẵng

Trên cơ sở phân tích thực trạng, xin đưa ra một số giải pháp và kế hoạch hành động giúp bảo tồn, khai và thác phát triển bền vững cây dược liệu tại Đà Nẵng thời gian tới như sau:

Một là, phát triển dược liệu là bài toán kinh tế - xã hội phức tạp, cần có thời gian, dựa trên nền tảng kết hợp nuôi trồng, bảo tồn, khai thác hợp lý không chỉ đối với nguồn tài nguyên cây thuốc, mà còn cả tài nguyên rừng, đất, nước, không khí... trên quan điểm kiên quyết bảo vệ sự đa dạng sinh học của các hệ sinh thái, các khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, Sơn Trà. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về lợi ích của phát triển cây dược liệu đối với xóa đói giảm nghèo và bảo vệ rừng tự nhiên.

Hai là, ngành KH&CN cần xây dựng chính sách để liên kết và phát triển dược liệu bền vững trên cơ sở các nghiên cứu về kết nối cung - cầu, bảo tồn, phát triển nguồn gen, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, di thực mở rộng vùng sản xuất, bảo quản sau thu hoạch và bao tiêu sản phẩm...; cần đẩy mạnh liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà nông) thông qua việc thúc đẩy hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong nước và quốc tế để ứng dụng KH&CN, đào tạo nhân lực trong việc nhân giống, sản xuất và chế biến dược liệu, hướng tới phát triển sản phẩm dược liệu theo chuỗi sản xuất, cung ứng khép kín... Việc phát triển dược liệu bền vững cần đi đôi với nghiên cứu kỹ thuật nuôi trồng tự nhiên và nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt chú trọng các giải pháp công nghệ sơ chế, chế biến dược liệu...

            Ba là, địa phương cần rà soát quỹ đất chưa sử dụng và đất sử dụng kém hiệu quả để giao, cho thuê đất đối với nhóm hộ, hộ gia đình có nhu cầu phát triển dược liệu. Trước mắt, tập trung quy hoạch phát triển một số cây dược liệu có triển vọng sản xuất hàng hóa như: Kim tiền thảo, Nghệ vàng, Đinh lăng, Ba kích...; thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn, giống, kỹ thuật... UBND TP cần ban hành chính sách ưu đãi về tài chính, đất đai khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn nhằm bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các đề tài nghiên cứu bảo tồn và phát triển những giống cây dược liệu quý hiếm khác như Lá khôi, Thuốc thượng, Thích tật lê, Bách bệnh, Hoàng đằng, Vàng đắng…

Bốn là, phát triển dược liệu bền vững cần đẩy mạnh truyền thông về dược liệu Việt. Trước hết cần có cơ chế thông thoáng để các bệnh viện y học cổ truyền tự chủ tiếp cận đặt hàng các cơ sở khai thác, nuôi trồng, sản xuất dược liệu, khuyến khích sử dụng thuốc từ dược liệu địa phương trong khám chữa bệnh tại các trạm y tế xã phường, phòng y tế, bệnh viện tuyến quận, huyện trong hệ thống y tế nhà nước vốn có tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gần 90% hiện nay.

            Ngoài ra, cần tháo gỡ một số vướng mắc như việc kiểm soát nguồn dược liệu nhập khẩu chưa chặt chẽ; hệ thống tiêu chuẩn dược liệu chưa đầy đủ, thiếu các quy định về hàm lượng, hoạt chất… khiến các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt khó tiếp cận với các thị trường quốc tế.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)