Thứ bảy, 10/08/2019 16:23

Lasuco: Ứng dụng KH&CN vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Lê Huy Khiêm

 

Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn

Khoa học và công nghệ (KH&CN), đặc biệt là công nghệ cao (CNC) đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, cũng như hiệu quả sản xuất. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các thành tựu về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa… đã và đang được ứng dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ý thức được vấn đề này, Công ty Cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco) luôn quan tâm đầu tư cho KH&CN, đồng thời chú trọng phát triển nguồn nhân lực, giúp đẩy nhanh ứng dụng CNC, tạo ra nhiều giống cây trồng mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người lao động.

Tăng cường đổi mới sáng tạo, phát triển đa dạng sản phẩm nông nghiệp CNC

      Nhận thức được vai trò quan trọng của KH&CN đối với sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã coi trọng và ưu tiên chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, điển hình như ngày 29/6/2015, UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2394-QĐ/UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng diện tích 1.000 ha. Đây chính là tiền đề để thu hút các doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp CNC.

      Được sự hỗ trợ của UBND tỉnh cùng với thế mạnh của doanh nghiệp, Lasuco đã đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp CNC một cách bài bản, đến nay đã trở thành một khu nông nghiệp CNC hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN nhằm liên kết, hợp tác với các tổ chức KH&CN trong và ngoài nước; nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới tiên tiến; thực hiện các đề tài/dự án KH&CN; tư vấn chuyển giao các kỹ thuật tiến bộ phục vụ sản xuất; đào tạo thực nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ KH&CN; tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chất lượng để cung cấp theo nhu cầu của thị trường...

      Hiện tại, Lasuco đã mở rộng vùng mía nguyên liệu lên hàng nghìn hecta, với 50 mô hình cánh đồng mía lớn (mỗi mô hình từ 10 đến 30 ha). Bên cạnh việc đầu tư, xây dựng các khu chế xuất với dây chuyền công nghệ tiên tiến, Lasuco còn ứng dụng công nghệ mới để cho ra đời những giống mía chất lượng cao phục vụ sản xuất. Tiêu biểu phải kể đến việc doanh nghiệp đã chọn tạo được 2 giống mía mới LS1 và LS2 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận, cho phép đưa vào sản xuất đại trà. Trên cơ sở đó, Lasuco tổ chức nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với quy mô 3-4 triệu cây giống/năm, có khả năng đáp ứng nhu cầu giống cho gần 4.000 ha trồng mới. Đặc biệt, Công ty đã cơ bản hoàn thành công tác xây dựng cơ sở cho chương trình giống mía nuôi cấy mô sạch bệnh đến năm 2020; trong đó vụ mía 2017-2018 đã trồng được 500 ha mía mô hình thâm canh bằng nuôi cấy mô sạch bệnh có năng suất và chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo 100% diện tích mía toàn vùng được trồng bằng giống mía chất lượng cao, đưa năng suất đạt mức bình quân từ 80 tấn/ha trở lên. Đây chính là những thành công bước đầu đáng ghi nhận trong nỗ lực ứng dụng KH&CN để thực hiện chương trình "Làm mới cây mía Lam Sơn".

      Không chỉ nỗ lực làm mới cây mía, Lasuco còn mở rộng đầu tư, phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC. Đến nay, Công ty đã xây dựng thành công 4 ha tập đoàn giống cây ăn quả có múi; 1 nhà màng trồng bảo quản cây cam giống đầu dòng, cây mẹ lấy mắt ghép (V2; Marrs; CT36); 0,3 ha vườn ươm cây giống sạch bệnh (có mái che, lưới ngăn côn trùng và hệ thống tưới chủ động); du nhập 100 cây giống cam V2 đầu dòng không hạt, sạch bệnh từ Viện Di truyền nông nghiệp về bảo quản và khai thác mắt ghép, giúp nhân được 150.000-200.000 cây giống tốt, sạch bệnh/năm. Mục tiêu là đến 2020 sẽ đưa tổng diện tích cam không hạt lên 2.000 ha, từng bước hình thành vùng sản xuất thâm canh cam mang thương hiệu Cam vàng xứ Thanh.

      Bên cạnh cây mía, cây cam, từ năm 2013, Công ty đã đầu tư xây dựng và đưa vào sản xuất 3 ha nhà màng để trồng rau, quả an toàn trên giá thể hữu cơ sạch theo tiêu chuẩn Vietgap và sản xuất hoa lan Hồ điệp, lan dendrobium. Năm 2015-2016, Công ty tiếp tục ký hợp đồng với Israel để lắp đặt mới 5 ha nhà kính hiện đại, 10 ha nhà lưới canh tác bằng cơ giới lớn và 10 ha cánh đồng mở sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, nâng tổng diện tích sản xuất rau, hoa, củ quả trong nhà có mái che lên gần 20 ha. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Công ty đã chuyển giao công nghệ sản xuất rau, quả an toàn trong nhà mái che cho các hộ gia đình sản xuất mía giỏi tại các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, giúp đa dạng hóa đối tượng cây trồng. Để đảm bảo đầu ra cho các nông sản này, Lasuco chịu trách nhiệm kết nối, tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa lớn, an toàn, chất lượng và giá trị cao mang thương hiệu Lam Sơn, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, các sản phẩm Dưa vàng Kim Hoàng hậu, Kim Cô nương, Dưa vân lưới, cà chua, dưa chuột CNC mang thương hiệu Lam Sơn đã dần khẳng định được thương hiệu, được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận.

      Từ vụ xuân năm 2016, Công ty đã thuê quyền sử dụng đất trên 100 ha tại thị trấn Vạn Hà (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) để triển khai chương trình sản xuất lúa hữu cơ Lasurice. Tuy năng suất lúa chưa đạt được so với mục tiêu đề ra, song kết quả của vụ xuân 2016 đã giúp khẳng định hiệu quả của việc cơ giới hóa đồng bộ và áp dụng phương pháp sản xuất lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh (giảm giá thành sản xuất lúa 15-20% so với phương pháp truyền thống); đồng thời cho thấy hiệu quả của mô hình liên kết 3 nhà để tạo ra mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, bền vững, theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Điểm đặc biệt của phương pháp này là sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh, hạn chế sử dụng phân bón vô cơ, tiết kiệm nước, cấy thưa tạo sự thông thoáng trên đồng ruộng, từ đó tạo ra sản phẩm lúa gạo hàm lượng protein cao, cacbon thấp, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.

Chú trọng phát triển nguồn nhân lực KH&CN

      Xác định nguồn nhân lực kỹ thuật cao là yếu tố quan trọng hàng đầu trong hoạt động KH&CN, Lasuco thường xuyên tạo mối liên kết hợp tác với các viện nghiên cứu, trường đại học trong và ngoài nước. Trên cơ sở ký kết các hợp đồng tư vấn kỹ thuật với các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực KH&CN để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng nhằm sản xuất các sản phẩm CNC, Lasuco chú trọng tổ chức các lớp đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực để tiếp nhận và nắm bắt kịp thời các công nghệ, kỹ thuật mới, đáp ứng nhanh yêu cầu của thực tiễn sản xuất. Đến nay, lao động có trình độ đại học và trên đại học tại Công ty là 234 người (chiếm 28%), trình độ cao đẳng 84 người (chiếm 10%), trình độ trung cấp và công nhân kỹ thuật 476 người (chiếm 57%), chỉ có 42 lao động phổ thông (chiếm 5%). Riêng lĩnh vực nông nghiệp, Lasuco có hơn 100 kỹ sư với đủ các chuyên ngành nông học, công nghệ sinh học, bảo vệ thực vật, dinh dưỡng cây trồng, vi sinh, cơ giới nông nghiệp… Phần lớn cán bộ kỹ thuật được tuyển dụng về Công ty, tiếp tục được lựa chọn cử đi đào tạo chuyên sâu ở trong và ngoài nước theo các chuyên ngành phù hợp với nhu cầu sản xuất của đơn vị như: kỹ thuật nuôi cấy mô; quản lý dịch hại nông nghiệp; kỹ thuật phân tích và chẩn đoán nhu cầu dinh dưỡng cây trồng; kỹ thuật vi sinh; kỹ thuật trồng cây trên giá thể trong nhà màng, với nhiều đối tượng cây trồng như mía, lúa, rau, hoa, quả, thảo dược, nấm… Có thể nói, việc xây dựng chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật giỏi chính là nòng cốt trong chiến lược phát triển KH&CN của Công ty. Lực lượng lao động này là hạt nhân giúp đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, tạo dựng nền tảng vững chắc để Lasuco không ngừng phát triển.     

      Có thể nhận thấy rằng, phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC có chi phí ban đầu lớn, giá thành sản xuất cao hơn nhiều so với phương thức truyền thống (tùy loại cây trồng), nhưng hạn chế được rủi ro do điều kiện thời tiết, sâu bệnh hại, đảm bảo năng suất cao, ổn định, chất lượng tốt, nhờ đó lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với sản xuất thông thường. Với hiệu quả đã được chứng minh, trong thời gian tới Lasuco sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động KH&CN, đầu tư dây chuyền thiết bị và làm chủ các công nghệ mới để sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng và phát triển các khu nông nghiệp CNC xứ Thanh, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Để thực hiện thành công các chương trình, định hướng phát triển KH&CN thời gian tới, bên cạnh những nỗ lực của đơn vị, rất cần sự tham gia, hỗ trợ hơn nữa của các bộ, ban, ngành từ Trung ương tới địa phương nhằm giúp Lasuco dễ dàng tiếp cận, làm chủ các công nghệ tiên tiến để tổ chức sản xuất theo hướng tập trung, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)