Thứ tư, 17/07/2024 14:57

Dự báo và đề xuất giải pháp hạn chế tác động tiêu cực của con người đối với vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long

TS Vũ Duy Vĩnh và cộng sự Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu tác động do sự gia tăng nguồn ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng từ hoạt động của con người và biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năng suất sơ cấp vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long”. Đề tài đã dự báo và đề xuất được các giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động của con người và BĐKH đến năng suất sơ cấp ở khu vực Cát Bà - Hạ Long.

Lấy mẫu và cố định mẫu nước tại Vịnh Hạ Long.

Trong những năm gần đây, vùng biển Cát Bà - Hạ Long có sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ và cũng bộc lộ những biến động môi trường từ hoạt động của con người như: thay đổi không gian, gia tăng các nguồn chất gây ô nhiễm hữu cơ… đổ ra vùng ven bờ. Những tác động này có thể trầm trọng hơn trong bối cảnh BĐKH khi nhiệt độ tăng cao và nước biển dâng.

Đề tài được thực hiện với mục tiêu: đánh giá, dự báo được những tác động do sự gia tăng nguồn ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng từ hoạt động của con người và BĐKH đến năng suất sơ cấp ở vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long; đề xuất được các giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động của con người và BĐKH đến năng suất sơ cấp vùng biển ven bờ Cát Bà - Hạ Long.

Sau gần 3 năm thực hiện, đề tài đã đánh giá được những biểu hiện của BĐKH như tăng nhiệt độ nước, dâng cao mực nước biển ở khu vực nghiên cứu, đánh giá/dự báo được những tác động do sự gia tăng nguồn ô nhiễm hữu cơ, dinh dưỡng từ hoạt động của con người và BĐKH đến năng suất sơ cấp ở vùng biển Cát Bà - Hạ Long. Đề xuất được các giải pháp hạn chế, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động của con người và BĐKH đến năng suất sơ cấp ở khu vực nghiên cứu.

Đo nhiệt độ, độ muối và Chl-a bằng thiết bị để đo đa chỉ tiêu môi trường nước biển và nước ngọt tại vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó, đề tài cũng đánh giá được diễn biến, xu thế tăng lên của nhiệt độ nước biển và mực nước biển ở khu vực nghiên cứu trong vòng 60 năm qua (từ 1960 đến 2020). Đặc biệt là xu thế tăng nhanh trong những năm gần đây của nhiệt độ nước biển (lên tới 0,093°C/năm ở vùng ven biển Hải Phòng và trên 0,1°C/năm ở vùng biển Quảng Ninh) và mực nước biển (7 mm/năm ở vùng biển Hải Phòng, 5,4-11,2 mm/năm ở vùng biển Quảng Ninh). Đánh giá/dự báo được những tác động do sự gia tăng nguồn dinh dưỡng/hữu cơ từ hoạt động của con người và BĐKH (tăng nhiệt độ và mực nước) ở khu vực Cát Bà - Hạ Long. Theo đó, những ảnh hưởng do tăng nguồn dinh dưỡng, hữu cơ, nhiệt độ, mực nước trong các kịch bản 2025, 2030 và 2050 không làm thay đổi đáng kể phân bố năng suất sơ cấp ở khu vực nghiên cứu. Tại một số khu vực như giữa vịnh Hạ Long, Đông Nam Vịnh Hạ Long, Vịnh Cát Bà, các kết quả phân tích cho thấy những ảnh hưởng cộng hưởng này cũng thể hiện mức độ khác nhau theo mùa và mỗi khu vực. Tuy nhiên, những thay đổi (tăng/giảm) này chỉ khoảng 0,001-0,003 g C/m3/ngày.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã đóng góp luận cứ khoa học quan trọng, có giá trị về mặt khoa học để làm tài liệu tham khảo cho các nhà khoa học và cơ quan quản lý có liên quan trong việc hoạch định chiến lược bảo vệ môi trường, các nguồn tài nguyên biển và phát triển bền vững của khu vực trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ các hoạt động kinh tế - xã hội của con người và BĐKH đến vùng ven biển. TS Vũ Duy Vĩnh cho biết, các kết quả nghiên cứu này mới chỉ là bước đầu, để đánh giá những ảnh hưởng cộng hưởng các tác động do hoạt động của con người và BĐKH một cách hệ thống đến năng suất sơ cấp, cần có nghiên cứu toàn diện, tổng hợp hơn với nhiều số liệu đo, khảo sát.

Hoàng Lê

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)