Thứ năm, 27/06/2024 18:13

Biến đổi khí hậu có thể khiến nấm trở nên nguy hiểm hơn

Các nhà khoa học từ lâu đã lo ngại nhiệt độ Trái đất tăng cao có thể khiến nấm trở lên nguy hiểm hơn đối với con người. Mới đây, các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã tìm thấy bằng chứng cho thấy, nhiệt độ cao hơn có thể gây ra đột biến khiến nấm phát triển mạnh hơn hoặc kháng thuốc. Kết quả được công bố trên Tạp chí Nature Microbiology.

Trong một cuộc khảo sát về các bệnh nhiễm trùng nấm tại một số bệnh viện ở Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một loại nấm (chưa từng được báo cáo trước đây ở người) khiến 2 bệnh nhân bị bệnh. Loại nấm này đã kháng 2 loại thuốc chống nấm phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt, khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, nó nhanh chóng phát triển khả năng kháng loại thuốc chống nấm thứ ba, khiến nó về cơ bản không thể điều trị bằng các loại thuốc chống nấm hiện tại.

Nhiệt độ Trái đất đang ngày càng tăng cao (ảnh: Jon G. Fuller/Vwpics/Universal Images Group - Getty Images).

So với vi khuẩn hay virus, nấm gây ra ít bệnh cho con người hơn vì hệ thống miễn dịch của con người có thể ngăn chặn nấm hiệu quả và chúng thường không phát triển tốt ở nhiệt độ cơ thể cao của động vật có vú. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, nhiễm trùng nấm đã trở nên phổ biến hơn vì ngày càng có nhiều người có hệ miễn dịch bị suy yếu do đại dịch HIV và lạm dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch.

Là một phần của chương trình tìm kiếm nấm gây bệnh nghiêm trọng ở người, các nhà khoa học đã thu thập mẫu từ bệnh nhân tại 96 bệnh viện ở Trung Quốc từ năm 2009 đến năm 2019. Trong số hàng nghìn chủng nấm được thu thập, có một chủng chưa từng được ghi nhận lây nhiễm cho người trước đây là nấm men Rhodosporidiobolus fluvialis. Chủng nấm này được phân lập từ máu của 2 bệnh nhân được điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt tại Trung Quốc. R. fluvialis kháng fluconazole và caspofungin - 2 loại thuốc chính được sử dụng để điều trị nhiễm trùng nấm ở người.

Để chứng minh rằng loại nấm này có thể lây nhiễm cho động vật có vú, các nhà nghiên cứu đã tiêm nó vào những con chuột có hệ thống miễn dịch suy yếu. Kết quả cho thấy, loại nấm này nhanh chóng đột biến thành dạng “hung dữ” hơn. Khi tìm hiểu lý do, họ phát hiện ra rằng các tế bào được nuôi cấy ở nhiệt độ 37°C tích lũy đột biến nhanh hơn 21 lần so với các tế bào được nuôi cấy ở nhiệt độ 25°C.

Cụ thể, khi các nhà nghiên cứu nuôi cấy R. fluvialis ở nhiệt độ 37°C và cho nó tiếp xúc với amphotericin B (một loại thuốc chống nấm phổ biến), họ phát hiện ra rằng, R. fluvialis đã phát triển khả năng kháng thuốc nhanh hơn nhiều lần. Các nhà khoa học giải thích, vì nấm phát triển mạnh trong điều kiện lạnh, nên quá trình chuyển đổi sang nhiệt độ của cơ thể con người có thể dẫn đến phản ứng căng thẳng khiến chúng có nhiều khả năng đột biến và thay đổi hơn.

Tác giả của nghiên cứu nhấn mạnh, nếu nấm phản ứng với nhiệt độ của động vật có vú bằng những thay đổi về bộ gen, thì chúng ta có thể dự đoán cơ chế tương tự có thể xảy ra khi nhiệt độ Trái đất tăng lên. Nếu vậy, biến đổi khí hậu không chỉ làm tăng nguy cơ nấm thích nghi với nhiệt độ cao từ đó dễ lây nhiễm cho con người, mà còn có thể khiến chúng trở nên “hung dữ” và ít nhạy cảm hơn với thuốc.

BL (lược dịch theo Science)

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)