Thứ hai, 03/06/2024 16:55

Tìm kiếm giải pháp khả thi để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

Đây là chủ đề của Hội thảo do Viện Dầu khí Việt Nam - VPI (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Petrovietnam), Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cơ quan Năng lượng Đan Mạch phối hợp tổ chức ngày 31/05/2024 tại Hà Nội.

Hội thảo đã tập trung thảo luận về chiến lược phát triển điện gió ngoài khơi của Petrovietnam; việc lắp đặt turbine gió ngoài khơi thí điểm nhằm nâng cao khả năng cấp nguồn điện cho Lô 09-1 của Liên doanh Việt Nga - Vietsovpetro; lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và khả năng đấu nối vào lưới điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); đánh giá hiện trạng phát triển cảng biển ở Việt Nam phục vụ các dự án điện gió ngoài khơi…

Tại Hội thảo, các chuyên gia Đan Mạch và Việt Nam đã tập trung phân tích các thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi; chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về các vấn đề then chốt trong quá trình phát triển dự án điện gió ngoài khơi thí điểm, từ khâu cấp phép, khảo sát đáy biển, đánh giá tác động môi trường, cho đến các khía cạnh kỹ thuật như: thiết kế móng và lựa chọn turbine, phát triển các dự án và cơ sở hạ tầng điện gió ngoài khơi như đấu nối điện lưới từ các dự án ngoài khơi của Đan Mạch và kết nối với khu vực châu Âu.

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ, tính khả thi và hiệu quả của các dự án năng lượng, giá điện kỳ vọng cũng được các chuyên gia hai nước thảo luận nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và bền vững của dự án điện gió ngoài khơi. Hội thảo cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong tương lai.

Đại diện Petrovietnam cho biết, hiện tại Petrovietnam đang tham gia chuỗi cung ứng, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật và phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Hiện nay, các đơn vị thành viên của Petrovietnam đã ký nhiều hợp đồng cung cấp thiết bị, dịch vụ cho các dự án điện gió ngoài khơi tại châu Âu và Đài Loan (Trung Quốc). Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí đang hợp tác với đối tác để nghiên cứu đầu tư phát triển dự án điện gió ngoài khơi 2,3 GW tại Việt Nam xuất khẩu điện sang Singapore.

TS Nguyễn Minh Quý - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (ngoài cùng bên trái) phát biểu tại Hội thảo.

TS Nguyễn Minh Quý - Phó Viện trưởng VPI cho biết, với nguồn dữ liệu, kiến thức về môi trường biển tích lũy từ quá trình nghiên cứu tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí, VPI đã chủ động thực hiện các nghiên cứu và hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để đánh giá các điều kiện địa chất, môi trường và hải văn của đáy biển. VPI đã và đang nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tiên tiến để phân tích tài liệu địa chấn có độ phân giải cao và tích hợp các dữ liệu địa chất, địa kỹ thuật thành mô hình nền tích hợp làm cơ sở cho việc thiết kế nền móng, lựa chọn vị trí tối ưu để đặt các turbine cũng như tuyến cáp ngầm.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Trưởng ban Ban Điện và Năng lượng Tái tạo Petrovietnam, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển 6 GW điện gió ngoài khơi tại Việt Nam đến năm 2030. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện nay chưa đầy đủ để điều chỉnh việc phát triển điện gió ngoài khơi, gây khó khăn từ giai đoạn quy hoạch, chuẩn bị đầu tư đến vận hành khai thác. Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm đầu tư, vận hành, cần thời gian để nâng cao năng lực quản lý và ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ.

Vì vậy, đánh giá việc thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi sẽ là cơ sở để hoàn thiện các quy định về quy hoạch, đầu tư, vận hành, chính sách hỗ trợ tài chính, thuế, đánh giá hiệu quả kinh tế, tác động môi trường; từ đó thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ (chế tạo, cảng, dịch vụ kỹ thuật hậu cần), góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nội địa và tích lũy kinh nghiệm quản lý, vận hành, ứng dụng công nghệ điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.

Ông Trần Duy Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học và Thiết kế Dầu khí biển (Vietsovpetro) cho biết, Vietsovpetro đang nghiên cứu triển khai dự án đầu tiên về lắp đặt turbine gió ngoài khơi thí điểm để nâng cao khả năng cấp nguồn điện phục vụ sản xuất cho Lô 09-1, bể Cửu Long. Hiện tại, Vietsovpetro đã hoàn thành các nghiên cứu về dữ liệu gió, địa kỹ thuật, nghiên cứu về tính khả thi của việc lắp đặt chân đế, turbine điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, do Việt Nam chưa có các quy định cụ thể cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi nên dự án thí điểm này cũng chưa được phê duyệt để Vietsovpetro có thể tiến hành các bước tiếp theo.

Về các thách thức trong phát triển điện gió ngoài khơi, ông Nguyễn Hoàng Anh - EVN cho rằng, việc xây dựng hệ thống truyền tải điện cho các dự án điện gió ngoài khơi rất khó khăn do quy hoạch tổng thể không gian biển quốc gia giai đoạn 2021-2030 chưa được phê duyệt; chưa có quy hoạch tuyến cáp ngầm kết nối các dự án điện gió ngoài khơi; quy trình, thủ tục đầu tư phức tạp, dẫn đến thời gian chuẩn bị đầu tư kéo dài và tiềm ẩn rủi ro trong quá trình thực hiện; thiếu quy định về đầu tư dự án điện gió ngoài khơi; không có cơ chế về giá điện gió ngoài khơi rõ ràng, minh bạch cũng như các nguyên tắc điều tiết hoạt động của lĩnh vực này…

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Các chuyên gia tham dự Hội thảo cho rằng, Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, thí điểm phát triển các dự án quy mô nhỏ, đồng thời xây dựng chiến lược phát triển lâu dài cho điện gió ngoài khơi với các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Phong Vũ - Việt Hà

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)