Thứ sáu, 26/04/2024 11:14

Sự khác biệt giữa các thế hệ trong nhận thức về môi trường: Nhìn từ các chủ doanh nghiệp tái chế chất thải nhựa ở Trung Quốc

Dan Li

Đại học Diên An, Trung Quốc

Hiện nay, hầu hết người dân được khảo sát đều có chung mối quan ngại về việc bảo vệ môi trường [1]. Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu tìm hiểu về các hành vi và tâm lý liên quan đến môi trường [2], nhưng hiểu biết đối với sự khác biệt giữa các thế hệ đối với mối quan tâm liên quan đến môi trường vẫn còn nhiều khoảng trống. Đặc biệt là đối với các chủ doanh nghiệp tái chế rác thải nhựa, các hiểu biết này càng quan trọng hơn vì nó có thể ảnh hưởng đến xu hướng phát triển của ngành công nghiệp xử lý rác thải nhựa, một trong những vấn nạn cấp thiết toàn cầu. 

Hình ảnh trong bài nghiên cứu của X. Wang và cộng sự (2024) [3] công bố trên Tạp chí Humanities and Social Sciences Communications (thuộc Nature Porfolio).

Trong một nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Humanities and Social Sciences Communications (thuộc Nature Porfolio), 2 nhà nghiên cứu Trung Quốc là X. Wang (Đại học Hồ Hải) và L. Wu (Đại học Nam Thông) đã cung cấp các kết quả khoa học giá trị cho khoảng trống tri thức hiện hữu. Các tác giả tìm hiểu sự khác biệt giữa các thế hệ chủ doanh nghiệp xử lý rác thải nhựa đối với các mối quan tâm về môi trường, cụ thể là thế giới quan về sinh thái và sự quan tâm đối với các vấn đề môi trường địa phương [3]. Thế hệ đầu tiên (Gen1) của các chủ doanh nghiệp bắt đầu tham gia vào việc tái chế và xử lý nhựa vào cuối những năm 1970 khi Trung Quốc khuyến khích chính sách cải cách và mở cửa. Họ chủ yếu đến từ các thị trấn và làng quê với nền tảng giáo dục hạn chế. Thế hệ thứ hai (Gen2) là những người tiếp quản doanh nghiệp từ cha mẹ của họ vào giữa những năm 1990. Nghiên cứu có sự tham gia của 102 chủ doanh nghiệp xử lý rác thải nhựa trải dài 2 thế hệ ở Ô Trấn, Trung Quốc.

Nghiên cứu đã sử dụng Lý thuyết Mindsponge để xây dựng mô hình nhằm đánh giá vai trò trung gian của các giá trị hậu vật chất (post-materialistic values), kiến thức về môi trường, các phương tiện truyền thông, sự kết nối cộng đồng đối với mối quan hệ giữa sự khác biệt thế hệ và các mối quan tâm về môi trường. Sau khi mô hình được xây dựng, phương pháp ước lượng hợp lý tối đa (Maximum likelihood estimation) và ước lượng Bayes (Bayesian estimation) được thực hiện để phân tích mô hình và kiểm tra các giả thuyết.

Việc sử dụng kết hợp khả năng lý luận của Lý thuyết Mindsponge và phân tích Bayes là phương pháp luận được đề xuất bởi TS Vương Quân Hoàng và cộng sự ở Trung tâm Nghiên cứu Xã hội liên ngành (ISR), Trường Đại học Phenikaa [4, 5]. Lý thuyết và phương pháp luận này đã được áp dụng trong gần 170 nghiên cứu khoa học đã xuất bản [6].

Kết quả nghiên cứu của X. Wang và cộng sự (2024) [3] đã thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa sự khác biệt thế hệ và nhận thức của họ đối với môi trường. Cụ thể, các phân tích đã tìm thấy sự khác biệt đáng kể giữa các thế hệ chủ doanh nghiệp về quan điểm sinh thái nhưng không đáng kể về các lo ngại liên quan đến các vấn đề môi trường địa phương. Kiến thức môi trường và sự tiếp xúc với thông tin rủi ro môi trường thông qua phương tiện truyền thông có tác dụng điều tiết tích cực và giúp cho các chủ doanh nghiệp thế hệ thứ hai có quan điểm coi trọng sự liên kết giữa con người và hệ sinh thái hơn thế hệ thứ nhất. Trong khi đấy, mối liên kết với cộng đồng lại có tác dụng điều tiết và giảm sự khác biệt thế hệ về các lo ngại đối với các vấn đề môi trường địa phương. Cụ thể, sự kết nối với cộng đồng giúp làm tăng các lo ngại đối với các vấn đề môi trường địa phương của thế hệ thứ nhất lên ngang bằng với thế hệ thứ hai.

Từ các kết quả này, nghiên cứu đề xuất nâng cao nhận thức môi trường trong các chủ doanh nghiệp tái chế là cần thiết để giải quyết các vấn đề khẩn cấp gây ra bởi ô nhiễm rác thải nhựa. Để tăng cường nhận thức, việc cung cấp giáo dục về môi trường tự nhiên, thông qua cả hình thức chính thức và không chính thức cho các doanh nghiệp và tạo mối liên kết chặt chẽ hơn giữa họ và cộng đồng địa phương là rất quan trọng [7]. Ngoài ra, phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là phương tiện truyền thông mới (các phương tiện truyền thông sử dụng công nghệ số) có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành nhận thức và lo ngại môi trường tổng quát, đặc biệt là đối với các thế hệ trẻ [8].

Cuối cùng, nghiên cứu cũng ủng hộ việc các doanh nghiệp chuyển đổi kiểu tư duy gây suy thoái môi trường sang một cách tiếp cận mới đề cao sự bền vững môi sinh (ví dụ như văn hóa thặng dư sinh thái) [9, 10]. Sự chuyển đổi này có thể mang đến cho doanh nghiệp cả lợi ích về môi trường và kinh tế cùng lúc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] C. Funk, A. Tyson, B. Kennedy, et al. (2020), “Concern over climate and the environment predominates among these publics”, Pew Research Center, https://www.pewresearch.org/science/2020/09/29/concern-over-climate-and-the-environment-predominates-among-these-publics/, accessed 1 March 2024.

[2] O.A. Gansser, C.S. Reich (2023), “Influence of the new ecological paradigm (NEP) and environmental concerns on pro-environmental behavioral intention based on the Theory of Planned Behavior (TPB)”, Journal of Cleaner Production, 382(5), DOI: 10.1016/j.jclepro.2022.134629.

[3] X. Wang, L. Wu (2024), “Intergenerational differences in the environmental concerns of plastic waste business owners: Environmental knowledge, environmental risk exposure, and community connection as mediators”, Humanities and Social Sciences Communications, 11, DOI: 10.1057/s41599-024-03018-0.

[4] Q.H. Vuong (2023), Mindsponge Theory, Walter de Gruyter GmbH, 256pp.

[5] Q.H. Vuong,  M.H. Nguyen, V.P. La (2022), “The Mindsponge and BMF Analytics for Innovative Thinking in Social Sciences and Humanities, Walter de Gruyter GmbH, 464pp.

[6] Minh Phượng, Công Thường (2024), “Sách lý thuyết và phương pháp luận khoa học của người Việt được lưu trữ trong thư viện Đại học Harvard”, Tạp chí điện tử  Khoa  học và Công nghệ Việt Nam, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/8895/sach-ly-thuyet-va-phuong-phap-luan-khoa-hoc-cua-nguoi-viet-duoc-luu-tru-trong-thu-vien-dai-hoc-harvard.aspx, truy cập ngày 23/01/2024.

[7] A. Giddens (1991), The Consequences of Modernity, Stanford University Press, Stanford, https://books.google.com/books?id=SVmkJEwWGwAC, accessed 1 March 2024.

[8] J. Fellenor, J. Barnett, C. Potter, et al. (2017), “The social amplification of risk on Twitter: The case of ash dieback disease in the United Kingdom”, Journal of Risk Research, 21(10), pp.1163-1183, DOI: 10.1080/13669877.2017.1281339.

[9] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen (2023), “Kingfisher: Contemplating the connection between nature and humans through science, art, literature, and lived experiences”, Pacific Conservation Biology, 30, DOI: 10.1071/PC23044.

[10] Q.H. Vuong, M.H. Nguyen (2024), “Call Vietnam mouse-deer ‘cheo cheo’ and let empathy save them from extinction: A conservation review and call for name change”, Pacific Conservation Biology, 30, DOI: 10.1071/PC23058.

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)