Thứ năm, 21/03/2024 16:56

Phát hiện 3 loài nhện bắt mồi mới hiện diện trên cây có múi tại các tỉnh Nam Bộ

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo và các cộng sự thuộc Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam đã phát hiện 03 loài nhện bắt mồi mới hiện diện trên cây có múi tại các tỉnh Nam Bộ. Đây là kết quả của đề tài “Nhện bắt mồi (Acari: Phytoseiidae): tác nhân tăng cường và kiểm soát sinh học các loài nhện hại trên cây có múi” thuộc Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong lĩnh vực hoá học, khoa học sự sống, khoa  học trái đất và khoa học biển giai đoạn 2017-2025.

Các loại nhện hại trên cây có múi

Là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, việc phát triển các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi đã được nhiều địa phương trong cả nước triển khai, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội. Những năm gần đây, các loại quả có múi như cam, bưởi, chanh, quýt... là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực và nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng rất lớn. Tuy nhiên, quá trình canh tác các loại cây này gặp nhiều tổn thất nếu bị sâu bệnh gây hại, trong đó có mối đe dọa từ các loại nhện.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo hướng dẫn các cộng sự phân loại nhện bắt mồi bằng hình thái, mẫu được soi dưới kính hiển vi quét JSM-IT 200.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, trên thế giới có khoảng 823 loài côn trùng và nhện gây hại trên các loại cây có múi. Một số loài nhện hại phổ biến trên cây có múi thuộc họ Tetranychidae như nhện đỏ Panonychus citri (McGregor), nhện đỏ hai chấm Tetranychus urticae, nhện Eutetranychus banksi (McGregor), Eutetranychus orientalis (Klein), Eutetranychus africanusEutetranychus annekei (Meyer), Eutetranychus sudanicus (El Badry), Eutetranychus monodi (André), Eotetranychus cendanai (Rimando), Eotetranychus kankitus (Ehara), Eotetranychus mandensis (Manson), Eotetranychus pamelae (Manson)...

Đến thời điểm hiện nay, phương pháp chủ yếu để phòng trừ loài nhện vẫn là sử dụng các loại thuốc trừ nhện hóa học như Ortus 5 EC (thuốc chứa hoạt chất Fenpyroximate 5%), Danitol 10EC (thuốc chứa hoạt chất Fenpropathrin 10%), Comite 73EC, Nitac 20EC, Cascade 5EC, Vertimec 1,8EC/ND, Pegasus 500SC, DC-Tron Plus 98,8EC. Liều dùng và cách dùng phần lớn là không đúng theo chỉ dẫn gây ra hiện tượng quá liều quá lượng, điều này có thể làm xuất hiện quần thể nhện hại mới với khả năng kháng thuốc cao; làm giảm chất lượng các loại nông sản, thực phẩm gây ảnh hưởng đến tâm lý, sức khỏe của người tiêu dùng; làm giảm khả năng xuất khẩu (do để lại dư lượng hóa chất trong nông sản) và gây ô nhiễm môi trường.

Tìm kiếm giải pháp từ đấu tranh sinh học

Việc tìm kiếm giải pháp để vừa có thể trừ được nhện hại vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ sức khỏe con người, cải thiện tâm lý của người tiêu dùng, tăng khả năng xuất khẩu là vấn đề cấp thiết hiện nay. Để giải quyết vấn đề trên, phương pháp đấu tranh sinh học với việc sử dụng các loại nhện bắt mồi là giải pháp tối ưu đáp ứng đầy đủ những yêu cầu mà nền sản xuất nông nghiệp bền vững trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang hướng đến.

Số liệu cho thấy, nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae có trên hơn 1.600 loài được phân bố trên khắp thế giới. Một trong những khả năng quan trọng nhất của nhóm nhện này là chúng có khả năng rất cao trong việc kìm hãm các loại nhện nhỏ hại cây trồng. Trong số các loài thiên địch tự nhiên, nhóm nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae được coi là một trong những nhóm có khả năng đấu tranh sinh học quan trọng nhất.

Nhằm tận dụng khả năng đấu tranh sinh học của nhện bắt mồi thuộc họ Phytoseiidae, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo và các cộng sự thuộc Viện Sinh học nhiệt đới đã đề xuất và được Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam phê duyệt đề tài “Nhện bắt mồi (Acari: Phytoseiidae): tác nhân tăng cường và kiểm soát sinh học các loài nhện hại trên cây có múi”.

Sau 3 năm triển khai (2020-2023), các nhà khoa học đã định danh được 5 loài nhện bắt mồi hiện diện trên cây có múi ở các tỉnh Nam bộ là Amblyseius eharai, Amblyseius lenis, Amblyseius obtuserellus, Typhlodromus ndibuAmblyseius polisensis, trong đó, lần đầu tiên 3 loài mới được ghi nhận tại Việt Nam là Amblyseius eharai, Amblyseius lenis Typhlodromus ndibu. Đề tài đã xác định được mức độ đa dạng thành phần loài nhện bắt mồi của họ nhện Phytoseiidae bằng các chỉ số đa dạng giữa các tỉnh và giữa các mùa trong năm. Loài Amblyseius eharai là loài phong phú nhất, tần suất hiện diện của loài này ở cả 2 mùa nắng và mưa, giữa các tỉnh đều cao hơn các loài còn lại. Bên cạnh đó, đề tài cũng đã đánh giá được khả năng tiêu thụ con mồi ở giai đoạn sinh trưởng của các loài nhện bắt mồi A. eharai thu thập được trên cây họ cam, quýt. Theo đó, nhện bắt mồi A. eharai có thể tiêu diệt cả 2 loài nhện hại phổ biến trên cây cam, quýt là T. urticaeP. citrus.

Đặc biệt, nghiên cứu đã xác định, việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai đơn thuần hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học sẽ khống chế được nhện hại P. citrus. Loài nhện bắt mồi A. eharai sau khi phóng thả có thể hình thành quần thể tốt trong điều kiện tự nhiên. Qua quá trình đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương pháp phòng trừ, nhóm nghiên cứu đã khẳng định rằng, việc phóng thả thiên địch một cách đơn lẻ hoặc phóng thả thiên địch kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học mang lại hiệu quả trong việc quản lý côn trùng, nhện hại trên cây bưởi góp phần nâng cao lợi nhuận kinh tế cho nông sản và bảo vệ môi trường.

Một số hình ảnh nhân sinh khối, bảo quản và tồn trữ loài nhện bắt mồi A. eharai.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ nhiệm đề tài cho biết, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có một công trình nghiên cứu ứng dụng các loài nhện bắt mồi bản địa để phòng trừ các loại côn trùng và nhện hại trên cây có múi. Trong quá trình triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu đã xác định được tỷ lệ phóng thả thích hợp giữa nhện bắt mồi A. eharai và vật mồi T. urticae là 1:4, tỷ lệ phóng thả thích hợp giữa nhện bắt mồi A. eharai và vật mồi P. citrus là 1:3.

Nhóm nghiên cứu tiến hành thử nghiệm quy trình phòng trừ sinh học trên vườn bưởi da xanh.

Đặc biệt, nghiên cứu đã xác định, việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai đơn thuần hoặc phóng thả nhện bắt mồi A. eharai kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học sẽ khống chế được nhện hại P. citrus. Loài nhện bắt mồi A. eharai sau khi phóng thả có thể hình thành quần thể tốt trong điều kiện tự nhiên. Qua quá trình đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương pháp phòng trừ, nhóm nghiên cứu đã khẳng định rằng, việc phóng thả thiên địch một cách đơn lẻ hoặc phóng thả thiên địch kết hợp với thuốc trừ sâu sinh học mang lại hiệu quả trong việc quản lý côn trùng, nhện hại trên cây bưởi góp phần nâng cao lợi nhuận kinh tế cho nông sản và bảo vệ môi trường.

Chu Ngân - Phong Vũ

 

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)