Hoàn thiện quy định nội dung chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN
Điều 4 Nghị định số 95 quy định về nội dung chi ngân sách nhà nước (NSNN) cho KH&CN. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thực tế phát hiện các nội dung chi của NSNN cho KH&CN chưa đầy đủ, chưa phù hợp với quy định của pháp luật về NSNN, pháp luật về đầu tư công cũng như đáp ứng nhu cầu thực tế phát sinh đối với các nội dung chi phục vụ hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST). Cụ thể như: chưa quy định về kinh phí cải tạo, sửa chữa tài sản công nhằm nâng cấp, mở rộng tài sản công; chưa quy định về nội dung chi đầu tư phát triển cho việc xây dựng trung tâm ĐMST và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo…
Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 được ban hành hy vọng sẽ tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình thực hiện cơ chế tài chính và đầu tư đối với hoạt động KH&CN.
Bộ KH&CN dự thảo và định hướng sửa đổi, bổ sung cho nhóm chính sách này như sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định tại điểm a khoản 1 về kinh phí cải tạo, sửa chữa tài sản công nhằm nâng cấp, mở rộng tài sản công. Bổ sung quy định về cải tạo, sửa chữa nâng cấp, mở rộng.
Thứ hai, bổ sung điểm đ khoản 1 về việc áp dụng quy định pháp luật về đầu tư đối với các nội dung chi phát triển tiềm lực KH&CN, đầu tư và hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN sử dụng các nguồn vốn khác nhau ngoài nguồn vốn chi đầu tư phát triển từ NSNN.
Thứ ba, sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 quy định về chi thường xuyên và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của các tổ chức KH&CN công lập theo quy định về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/06/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 60). Theo đó, quy định tại điểm b khoản 2 sẽ được sửa đổi theo hướng: NSNN sẽ đảm bảo kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước giao và kinh phí được NSNN hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập theo mức độ tự chủ tài chính.
Thứ tư, bổ sung quy định tại điểm k khoản 2 về việc hỗ trợ kinh phí công bố kết quả nghiên cứu khoa học trên các tạp chí thuộc danh mục Web of Science/SCOPUS nhằm khuyến khích các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu KH&CN trên các tạp chí uy tín của thế giới.
Thứ năm, sửa đổi, bổ sung điểm m khoản 2: 1) sửa đổi quy định về chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cơ sở vật chất - kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ hoạt động KH&CN nhằm đảm bảo tài sản công được duy trì theo đúng công năng và tiêu chuẩn kỹ thuật ban đầu, không làm thay đổi công năng, quy mô của tài sản công; 2) bổ sung quy định về mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động thường xuyên theo tiêu chuẩn, định mức quy định hiện hành; mua sắm máy móc, thiết bị chuyên dùng của các tổ chức KH&CN công lập; mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ nhiệm vụ KH&CN.
Thứ sáu, bổ sung quy định về chi cho hoạt động đổi mới sáng tạo (ĐMST) nhằm duy trì và hỗ trợ hoạt động của hệ thống ĐMST, bao gồm: hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm ĐMST, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, mạng lưới ĐMST, mạng lưới khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ đào tạo về năng lực quản trị, mô hình kinh doanh mới, mô hình ĐMST; đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn và hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo vì nội dung này đã được quy định tại Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV và Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030 (Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ).
Thứ bảy, bổ sung quy định về việc hướng dẫn các khoản chi khác phát sinh trong thực tế phục vụ hoạt động khoa học, công nghệ và ĐMST theo hướng: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ KH&CN hướng dẫn để báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thứ tám, bổ sung quy định để làm rõ việc áp dụng quy định pháp luật theo hướng: đối với chi đầu tư phát triển KH&CN (khoản 1 Điều 4) áp dụng theo quy định tại Nghị định này, đối với các nội dung chưa quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của pháp luật về chi đầu tư phát triển; đối với chi sự nghiệp KH&CN (quy định tại khoản 2 Điều 4) áp dụng theo quy định tại Nghị định này, đối với các nội dung chưa quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định của pháp luật về chi thường xuyên.
Hoàn thiện quy định về kế hoạch, lập dự toán và phân bổ NSNN cho KH&CN.
Quá trình xây dựng, lập dự toán và phân bổ dự toán NSNN cho KH&CN tại các địa phương, việc phối hợp và vai trò tổng hợp của Sở KH&CN, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn và tổng hợp dự toán ngân sách KH&CN địa phương chưa đảm bảo phù hợp với quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công. Quy trình phân bổ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 95 vào các quỹ KH&CN các cấp chưa được thực hiện do các quỹ phát triển KH&CN của bộ, ngành, địa phương theo Điều 7 của Nghị định về cơ bản chưa được thành lập. Về nội dung này, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95 sẽ định hướng sửa đổi như sau:
Thứ nhất, sửa đổi các quy định tại khoản 1 Điều 5 liên quan đến việc phối hợp và vai trò tổng hợp của Sở KH&CN, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc hướng dẫn và tổng hợp dự toán ngân sách KH&CN địa phương nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật NSNN và Luật Đầu tư công.
Thứ hai, sửa đổi điểm b khoản 3 về kinh phí dành cho việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN được chuyển về đơn vị dự toán cấp I hoặc quỹ phát triển KH&CN các cấp để phù hợp với quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thứ ba, bãi bỏ quy định tại khoản 4 về việc giao Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN do Nghị định số 95 đã thực hiện được 10 năm, nhưng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ kinh phí cho hoạt động KH&CN vẫn chưa được ban hành. Hiện nay, các quy định của pháp luật về NSNN, đầu tư công, quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định pháp luật khác có liên quan đã được ban hành và thực thi tương đối hiệu quả nên cần thiết phải bãi bỏ quy định tại khoản 4.
Hoàn thiện quy định về quỹ phát triển KH&CN của các bộ/ngành, tỉnh/thành phố
Theo quy định tại khoản 19 Điều 4 và tại khoản 11 Điều 8 của Luật NSNN, quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước phải hoạt động độc lập với NSNN, có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN; NSNN không hỗ trợ chi phí quản lý của quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Do vậy, cần thiết phải rà soát quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định 95. Rà soát quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 60 để xác định mô hình hoạt động của quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được quy định tại khoản 2 Điều 7 của Nghị định 95. Rà soát các quy định tại điểm d và điểm đ khoản 4 Điều 7 của Nghị định 95 để đảm bảo các nội dung hoạt động ủy thác của quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 đề nghị bổ sung quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 7 khi quỹ phát triển KH&CN thành lập; bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 7 để xác định quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Nghị định 60; bãi bỏ các quy định tại điểm d và điểm đ khoản 4 Điều 7 đối với các nội dung hoạt động ủy thác của quỹ phát triển KH&CN của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp
Trong thời gian qua, hành lang pháp lý về hoạt động của quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp đã được hoàn thiện. Tuy nhiên, một số quy định hiện hành không còn phù hợp với các quy định liên quan hoặc thực tiễn, đòi hỏi phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Các quy định liên quan đến quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp chưa đầy đủ, đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng cao dựa trên khoa học, công nghệ và ĐMST.
Chính vì vậy, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 đã định hướng sửa đổi như sau: 1) sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 9 về tỷ lệ trích lập quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp Nhà nước theo hướng: doanh nghiệp Nhà nước chủ động xác định tỷ lệ trích lập quỹ tối thiểu nhưng không quá 10% thu nhập tính thuế thu nhập năm nhằm đảm bảo tính bình đẳng về quy định tỷ lệ trích lập quỹ giữa các doanh nghiệp Nhà nước và các loại hình doanh nghiệp khác; 2) bãi bỏ quy định tại khoản 3 Điều 9 (“Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định khuyến khích doanh nghiệp trích lập quỹ phát triển KH&CN để đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN cho doanh nghiệp và cho ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh”; 3) bổ sung các nội dung chi cho hoạt động KH&CN đã được quy định tại Điều 4 của Nghị định số 95 nhưng chưa được quy định tại Điều 10 của Nghị định; 4) sửa đổi quy định tại khoản 5 và khoản 6 Điều 11 về việc các doanh nghiệp đã đóng góp vào Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia và quỹ KH&CN của các bộ, ngành, địa phương có quyền yêu cầu hỗ trợ từ Quỹ phát triển KH&CN Quốc gia.
Sửa đổi, bổ sung về cơ chế quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN
Trong quá trình quản lý kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN, có một số bất cập phát sinh như: việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN các cấp cần rà soát đánh giá để phù hợp với các quy định pháp luật về NSNN và thực tế; tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng của khoán chi đến sản phẩm cuối cùng chưa phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực quốc tế về kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; vướng mắc trong quá trình thực hiện khoán chi từng phần...
Khắc phục các bất cập nêu trên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 quy định rõ”: 1) sửa đổi quy định tại khoản 2 Điều 14 về việc cấp kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN thông qua hệ thống quỹ phát triển KH&CN các cấp hoặc các đơn vị dự toán các cấp để phù hợp với các quy định pháp luật về NSNN; 2) bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 14 về cơ chế kiểm tra, giám sát đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia nhằm thực hiện theo kiến nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tại Công văn số 977/BC-UBKHCNMT15 ngày 26/10/2022; 3) sửa đổi quy định tại Điều 15 về khoán chi đến sản phẩm cuối cùng đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN (sửa đổi các quy định về tiêu chí đối với sản phẩm cuối cùng phù hợp với thực tiễn và chuẩn mực quốc tế về kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; sửa đổi quy định về trách nhiệm của người trực tiếp phê duyệt nhiệm vụ KH&CN; sửa đổi quy định nhằm đảm bảo việc tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN, về kế toán); 4) sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 16 về khoán chi từng phần đối với các nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN (sửa đổi quy định về trách nhiệm của người trực tiếp phê duyệt nhiệm vụ KH&CN; sửa đổi quy định nhằm đảm bảo việc tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN thực hiện theo quy định của pháp luật về NSNN, về kế toán).
*
* *
Có thể khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 là rất cần thiết, thể hiện việc thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật về KH&CN. Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 được ban hành cũng sẽ tháo gỡ các tồn tại, hạn chế và đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong quá trình thực hiện cơ chế tài chính và đầu tư đối với hoạt động KH&CN.
Minh Hà
Bài viết được tổng hợp từ: Báo cáo đánh giá tác động chính sách; Tờ trình Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95.