Chủ nhật, 03/03/2024 15:23

Siemens EDA trao bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn cho 10 trường đại học của Việt Nam

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC), thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Công ty Siemens EDA (Siemens EDA) vừa phối hợp tổ chức Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam năm 2024. Tại sự kiện, NIC và Siemens EDA đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam.

Việt Nam hiện đang đứng trước cơ hội tham gia sâu vào ngành công nghiệp bán dẫn, thể hiện rõ khát vọng trở thành một mắt xích trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chính vì vậy, Chính phủ Việt Nam đã ban hành những chính sách và chỉ đạo nhiều bộ ngành triển khai hàng loạt hoạt động tạo điều kiện thuận lợi cho ngành phát triển trong nhiều năm qua. Một trong các chính sách rất dễ nhận thấy là sự kêu gọi hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đầu tư phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp tiềm năng này. Nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam vẫn đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng dù đã đón nhận những bước tiến lớn trong việc kêu gọi, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ. Giải quyết bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam sẽ có cơ hội vươn cao trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết: Tại Nghị quyết số 124/NQ-CP ngày 07/08/2023, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Thứ trưởng bày tỏ tin rằng, việc NIC ký thỏa thuận hợp với Siemens EDA và trao bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn của Siemens cho các trường đại học là hoạt động thiết thực, góp phần đạt được mục tiêu 50.000 kỹ sư bán dẫn đến năm 2030.

NIC và Siemens EDA trao bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch cho 10 trường đại học (ảnh: MPI).

Tại Hội nghị, đại diện NIC và Siemens EDA đã trao các phần mềm tài trợ cho các trường đại học tiêu biểu có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn mà Chính phủ đã giao. Thay mặt các đơn vị tiếp nhận công nghệ tài trợ và trực tiếp khai thác sử dụng tại đơn vị, ông Nguyễn Đức Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Điện Điện tử (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho biết, trước đây, Nhà trường có mua phần mềm của Cadence nhưng đã hết hạn, sau đó chuyển đến sử dụng các phần mềm nhằm hỗ trợ sinh viên học tập. Nhận phần mềm tài trợ từ Siemens EDA, Nhà trường sẽ đưa vào sử dụng trong môn thiết kế vi mạch số, kiểm chứng vi mạch, thiết kế vi mạch tương tự. Hiện nay có khoảng 40-50 sinh viên theo học ngành thiết kế vi mạch và đây sẽ là những sinh viên đầu tiên được sử dụng phần mềm tài trợ.

VH

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)