Thứ tư, 28/02/2024 14:48

Sản xuất thành công giống nhân tạo cá chạch lửa

Khoa Công nghệ Nuôi trồng Thủy sản - Trường Thủy sản (Trường Đại học Cần Thơ) vừa phối hợp với Chi cục Thủy sản Cần Thơ tổ chức hội thảo công bố kết quả đề tài “Nghiên cứu thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá chạch lửa (Mastacembelus erythrotaenia)”. Đề tài do Trường Thủy sản chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ kinh phí từ Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ.

Cá chạch lửa (Mastacembelus erythrotaenia Bleeker, 1870) thuộc bộ: Synbranchiformes, họ Mastacembelidae,  giống Mastacembelus. Cá chạch lửa phân bố ở Thái Lan, Lào, Camphuchia, Indonesia và Việt Nam. Ở Việt Nam, cá chạch lửa phân bố ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai. Cá sống chủ yếu tầng đáy, những nơi có nhiều sỏi, đá nhỏ và hang hốc hay rễ cây. Cá chạch lửa ăn tạp, bắt mồi chủ yếu vào ban đêm. Trong tự nhiên cá chạch ăn chủ yếu là động vật như sinh vật đáy, ấu trùng côn trùng, giun và một số thực vật thủy sinh.

Cá chạch lửa được sản xuất nhân tạo thành công.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cá chạch lửa thành thục tốt trong điều kiện nuôi vỗ từ 4-6 tháng. Kích thích sinh sản bằng hormone HCG (Human Chorionic Gonadotropin) cho kết quả rụng trứng 100%, tỷ lệ thụ tinh đạt 76,3% và tỷ lệ nở là 62,7%. Cá nở sau khi thụ tinh từ 58-64 giờ, ống tiêu hóa phát triển hoàn chỉnh vào ngày 12 và cá hấp thụ hết noãn hoàng vào ngày tuổi thứ 18, có thể tập cho cá ăn thức ăn công nghiệp từ ngày tuổi thứ 30.

PGS.TS Phạm Thanh Liêm báo cáo kết quả thực hiện đề tài.

PGS.TS Phạm Thanh Liêm - chủ nhiệm đề tài cho biết, thành công trong sản xuất giống nhân tạo cá chạch lửa đã góp phần làm phong phú các loài thủy sản nuôi nước ngọt, đa dạng các loài nuôi làm cảnh, đồng thời giúp bảo vệ nguồn lợi cá chạch lửa tự nhiên ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Diễm Thùy

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)