Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại buổi làm việc (ảnh: Phạm Trung/Báo Điện Biên).
Tăng trưởng GRDP năm 2023 đứng thứ 04/14 tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2023 ước đạt 7,77%/năm, vượt so mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra là 7%; năm 2023 ước đạt 7,1%, cao hơn so với bình quân chung của toàn quốc, xếp thứ 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 04/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 42,98 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng. Tổng thu ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2023 tăng dần qua các năm, ước đạt 41.364,12 tỷ đồng, trong đó năm 2023 đạt 13.805,469 tỷ đồng.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung cây có hạt với trên 10.000 ha và 23 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Triển khai 14 dự án trồng cây mắc ca với quy mô 69.406 ha (đến hết năm 2023 đã trồng được 7.300 ha). Hình thành 68 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 04 sản phẩm đạt 4 sao và 64 sản phẩm 3 sao. Tỷ lệ che phủ rừng năm 2023 ước đạt 44%, tăng 1,34 điểm % so với năm 2020. Chương trình xây dựng nông thôn mới được thực hiện có hiệu quả, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 100% mục tiêu; 48/115 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 10 xã so với năm 2020, tương đương 41,7% số xã; tổng số thôn bản được công nhận nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu là 160 thôn, bản.
Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2021-2023 ước đạt 9.558,47 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7,91%/năm. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã đón 2,086 triệu lượt khách du lịch; riêng năm 2023, đạt 1 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch năm 2023 ước đạt 1.750 tỷ đồng.
Hoạt động KH&CN từng bước được đổi mới
Thời gian qua, trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Điện Biên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo thực hiện nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh với quan điểm vừa có tính toàn diện, vừa có trọng tâm, trọng điểm, từng bước đổi mới hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 56 nhiệm vụ, trong đó có 14 nhiệm vụ cấp quốc gia (02 nhiệm vụ thuộc Chương trình cấp thiết địa phương do Trung ương quản lý, 12 nhiệm vụ thuộc Chương trình nông thôn miền núi).
Thông qua các nhiệm vụ KH&CN, đã góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết, khó khăn của tỉnh, nhiều tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản… đã được chuyển giao đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, nâng cao năng lực ứng dụng tiến bộ KH&CN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 71 nhãn hiệu hàng hóa, 02 giải pháp hữu ích đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn đăng ký trong đó có 17 nhãn hiệu, 01 giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ; triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025; phê duyệt Đề án triển khai Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Điện Biên…
4 nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả phát triển KT-XH nói chung và hoạt động KH,CN&ĐMST của Điện Biên trong thời gian qua. Những kết quả đạt được của Điện Biên tạo nền tảng, tiền đề để đưa Điện Biên phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Để thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST, tạo nên những chuyển biến tích cực, đáp ứng yêu cầu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cũng như hoàn thành thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị Điện Biên tập trung một số nội dung trọng tâm:
Một là, tiếp tục quan tâm, đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động KH,CN&ĐMST; bố trí cán bộ, đào tạo nhân lực và củng cố tổ chức bộ máy cho ngành KH&CN, góp phần đưa KH&CN trở thành một trong các trụ cột quan trọng trong phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh.
Hai là, tiếp tục có các cơ chế quản lý và chính sách phát triển KH,CN&ĐMST; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN, đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng công nghệ.
Ba là, tập trung nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong sản xuất, đối với các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt, chăn nuôi; dược liệu; nông nghiệp thông minh; nông nghiệp hữu cơ; nghiên cứu hệ thống cơ cấu cây trồng phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật KH&CN. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển KH&CN; khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.
Vũ Hưng