Thứ ba, 09/01/2024 15:22

Thái Bình: Khoa học và Công nghệ - động lực chính thúc đẩy việc sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Đỗ Thanh Giang

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Thái Bình

Những năm gần đây, nhờ được quan tâm, đầu tư mạnh mẽ, sự đóng góp của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) Thái Bình đã hiện hữu rõ nét các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong hầu hết các khâu, từ sản xuất đến tiêu thụ và phát triển. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp Thái Bình đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện đời sống người dân.

Để phát huy tiềm năng về vị trí địa lý (3 mặt giáp sông, 1 mặt giáp biển), đất đai phì nhiêu… Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành tập trung, quan tâm phát triển ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từ định hướng này, những năm gần đây, ngành KH&CN Thái Bình đã tập trung triển khai 4 giải pháp quan trọng:

Một là, triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển nông nghiệp: Giai đoạn 2019-2023, đã có 46 nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp được triển khai thực hiện dưới dạng đề tài cấp tỉnh và dự án thuộc “Chương trình hỗ trợ, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” đầu tư cho các sản phẩm chủ lực. Tiêu biểu là các nhiệm vụ như: “Nghiên cứu bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp Bể Vũ Thư (nếp Keo) để xây dựng thương hiệu gạo đặc sản Thái Bình”, “Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình sản xuất lúa bổ sung giống Rươi nhằm nâng cao giá trị sản xuất lúa gạo và thu nhập cho người dân tỉnh Thái Bình”… Các dự án đã tạo ra nhiều giống lúa có khả năng chống chịu thời tiết tốt, phù hợp với điều kiện địa phương như BC15, TBR45, TBR225, TBR279, Đông A1, Hương thơm 1, Nếp 87, Nếp 97, P6, BT7, Q5, N97, KD18, N87, BT7, T10, RVT, Thiên ưu 8, Đài Thơm 8, VNR20… góp phần xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình năng suất, chất lượng cao. Trong lĩnh vực chăn nuôi trâu, bò, lợn gà, Thái Bình đã tiến hành nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, tỷ lệ lưu hành, mức độ thiệt hại của bệnh Dịch tả lợn châu Phi, từ đó xây dựng được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện chăn nuôi của tỉnh; nghiên cứu xây dựng mô hình sử dụng một số thảo dược trong chăn nuôi lợn thương phẩm tại tỉnh Thái Bình; phát triển trang trại quy mô lớn, quy mô vừa, áp dụng chăn nuôi công nghiệp, khép kín, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo đảm sản phẩm thịt lợn Thái Bình đủ điều kiện là sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia và hướng tới xuất khẩu quốc tế. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của tỉnh năm 2023 ước đạt 171,7 nghìn tấn (tăng 7,8% so với năm 2020).

Bên cạnh đó, Thái Bình đã thực hiện nhiều nhiệm vụ song song như ứng dụng thành công kỹ thuật sinh sản để lai tạo bò F1 (Bò đực Blanc Blue Belge lai với bò cái lai Sind) hướng thịt, giúp tăng sản lượng thịt bò so với bò lai Sind; ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chăn nuôi vịt bố mẹ sinh sản (trống VSD x mái Star 53) và nuôi con thương phẩm theo hướng an toàn sinh học trên địa bàn tỉnh Thái Bình; ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAP, góp phần bảo tồn và phát triển giống vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao của địa phương. Trong lĩnh vực thủy sản, các nhiệm vụ KH&CN về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao, cá rô phi… đã được thực hiện hiệu quả. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh ước đạt 289.493 tấn (tăng 3,3% so năm 2022), trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 188.098 tấn, tăng 3,4% so với năm 2022, giá trị ước đạt 4.299,2 tỷ đồng.

Sản phẩm gà Tò của đề tài “Ứng dụng kỹ thuật sinh sản tiên tiến nhân giống gà Tò và xây dựng mô hình nuôi gà Tò thương phẩm theo hướng VietGAHP”.

Hai là, tăng cường sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực: Giai đoạn từ năm 2019-2023, tỉnh Thái Bình có 1.086 đơn đăng ký nhãn hiệu, đã được cấp 484 giấy chứng nhận nhãn hiệu; trong 07 đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp đã được cấp có 02 văn bằng bảo hộ độc quyền; trong 07 đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích đã được cấp có 06 văn bằng bảo hộ độc quyền. Đáng chú ý, gần đây tỉnh Thái Bình đã cho phép sử dụng 06 nhãn hiệu địa danh “Thái Thụy”; “Làng Keo”; “Làng Giắng”; “Chợ Gốc”; “Hưng Hà”; “Hồng Tiến” để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận tập thể cho sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm nông nghiệp giúp hàng hóa có thương hiệu nâng cao giá trị và được tiêu thụ rộng khắp thị trường trong nước, mang lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân.

Ba là, chú trọng quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực lĩnh vực nông nghiệp: Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Thái Bình chủ yếu giới thiệu, trưng bày và giao dịch các sản phẩm về các loại gạo, các giống lúa, ngô như: BC15, Đông A1, nếp A Sào, Phúc Thái 168, TBR-1, TBR225, TBR279, TBR89, TBR97, Thái Xuyên 111, Ngô nếp TBM18… góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương tới khắp cả nước.

Bốn là, quan tâm tư vấn, hướng dẫn các thủ tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và mã số vùng trồng, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc: Hàng năm, Sở KH&CN Thái Bình đều tư vấn, hướng dẫn cho trên 100 tổ chức, cá nhân về thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích) trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở KH&CN Thái Bình đã tích cực hướng dẫn tổ chức, cá nhân về thủ tục cấp mã số vùng trồng, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc gắn với công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo kịp thời và đúng quy định. Việc chủ động, minh bạch nguồn gốc sản phẩm là rất cần thiết, bởi nó tạo cơ sở dữ liệu để lưu trữ và chọn lựa phương án sản xuất kinh doanh, tránh được việc giả mạo thương hiệu. Đây cũng là căn cứ giúp chủ cơ sở giám sát nội bộ, bảo vệ trước pháp luật khi bị truy xuất nguồn gốc.

Có thể khẳng định, KH&CN Thái Bình trong những năm qua đã có nhiều đóng góp quan trọng, là động lực chính thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh một cách toàn diện, từ khâu sản xuất cho tới tiêu thụ và phát triển sản phẩm. Các công trình nghiên cứu KH&CN, dự án KH&CN đã tạo ra nhiều quy trình sản xuất, mô hình nuôi trồng, chăm sóc, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, để tập huấn và chuyển giao cho các hộ nông dân, hợp tác xã… Bên cạnh đó, việc đăng ký sở hữu trí tuệ các sản phẩm nông nghiệp chủ lực; quảng bá giới thiệu sản phẩm; hướng dẫn các thủ tục xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa và mã số vùng trồng, đăng ký nhãn mác, truy xuất nguồn gốc đã được Sở KH&CN đẩy mạnh, góp phần gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. KH&CN của tỉnh Thái Bình đã thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch kính yêu: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng”.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)