Thứ ba, 26/12/2023 15:45

“Bác sỹ cho mọi nhà”: Góp phần chuyển đổi số, thúc đẩy bình đẳng trong khám, chữa bệnh

Y tế từ xa (YTTX) là việc trao đổi thông tin có liên quan đến sức khỏe của cá nhân giữa người làm chuyên môn y tế với cá nhân đó hoặc giữa những người làm chuyên môn y tế với nhau ở các địa điểm cách xa nhau thông qua các phương tiện công nghệ thông tin (CNTT) và viễn thông. Có thể nói, YTTX bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, nhưng ngay sau đó nó đã trở nên hữu ích, đặc biệt đối với nhu cầu chăm sóc sức khỏe (CSSK) của người dân và bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa.

Đẩy mạnh xây dựng chính sách và hợp tác phát triển

Phát triển YTTX đã được Chính phủ ưu tiên đầu tư và thực hiện đầu tiên trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020). Để tiếp tục thúc đẩy ứng dụng CNTT trong CSSK người dân, ngày 08/03/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 318/QĐ-TTg về việc Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, trong đó có tiêu chí số 14.3 quy định về tỷ lệ người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa đạt >40% đối với các xã nông thôn mới nâng cao tại tất cả các vùng trên cả nước.

Đồng hành cùng Bộ Y tế trong quá trình phát triển YTTX, từ tháng 12/2020, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã phối hợp chặt chẽ với Cục CNTT, Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lạng Sơn triển khai Dự án tư vấn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà” (Dự án). Phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà” được phát triển dựa trên nền tảng web và điện thoại thông minh, có chức năng hỗ trợ người dân đặt lịch hẹn khám tại trạm y tế (TYT) xã, giúp kết nối cán bộ y tế của TYT xã với các đơn vị y tế tuyến trên để thực hiện các cuộc họp giao ban định kỳ, sinh hoạt chuyên môn, hội chẩn từ xa… Đồng thời với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, Dự án còn giúp kết nối người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, dân tộc thiểu số và người khuyết tật với cán bộ y tế tại TYT xã để được tư vấn sức khỏe, đặt lịch hẹn và khám chữa bệnh từ xa. Báo cáo đánh giá giai đoạn 2020-2022 của UNDP cho thấy, quá trình triển khai tại 3 tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, hơn nữa khi được mở rộng đã giúp các tỉnh có thể đạt được tiêu chí số 14.3 về xã nông thôn mới nâng cao của Chính phủ.

Tác động tích cực

Để tiếp tục duy trì và nhân rộng hiệu quả hoạt động tư vấn KCB từ xa tại tuyến y tế cơ sở sử dụng phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà”, ngày 08/08/2022, UNDP đã có công hàm gửi Bộ Y tế đề nghị tiếp tục phối hợp triển khai tại 05 tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắk Lắk và Cà Mau. Nhằm đánh giá kết quả triển khai bước đầu tại 5 tỉnh này và khả năng duy trì, mở rộng trên quy mô toàn quốc, UNDP phối hợp với Bộ Y tế thực hiện khảo sát đối với nhân viên y tế (NVYT) và người dân về tác động của Dự án.

Đối với NVYT và cơ sở y tế tuyến huyện, xã

Theo phiếu khảo sát NVYT, Dự án đã có nhiều tác động tích cực đến bản thân NVYT. Trong đó, 4 tác động tích cực nhất là: chủ động trong công việc do biết trước thời gian người bệnh đến khám (chiếm 76,0% số người trả lời); được hỗ trợ chuyên môn kịp thời khi cần (chiếm 71,6% số người trả lời); tăng cường gắn kết, trao đổi giữa các cơ sở y tế trên địa bàn (chiếm 65,7%) số người trả lời; hạn chế thời gian di chuyển, đi lại cho cán bộ y tế (chiếm 63,5%). Ngoài ra các yếu tố tác động tích cực khác như: giảm thiểu rủi ro cho cán bộ y tế trong quá trình di chuyển, đặc biệt vào mùa mưa, mùa lũ; được tham gia giao ban, trao đổi chuyên môn nhiều hơn; giảm bớt chi phí đi lại đều chiếm trên 50% số người trả lời.

Tư vấn, KCB từ xa cho người dân tại một TYT trên địa bàn Dự án.

Đối với mạng lưới y tế địa phương

Báo cáo của 5 sở y tế tham gia cho thấy, Dự án đã có nhiều tác động tích cực đến hệ thống y tế địa phương như: việc kết nối y tế cơ sở với bệnh viện tuyến trên sẽ góp phần đưa các dịch vụ CSSK chất lượng cao tới gần người dân hơn, giúp nâng cao chất lượng và công bằng trong CSSK; việc kết nối trực tuyến với các bác sỹ của bệnh viện tuyến trên thông qua phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà” sẽ làm người dân tin tưởng hơn khi KCB tại TYT xã, góp phần phân luồng người bệnh tại các tuyến để hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên; thử nghiệm việc đặt lịch hẹn khám cải cách hành chính, giải quyết được tình trạng chờ đợi gây bức xúc cho người dân trong quá trình khám chữa bệnh; lựa chọn y bác sỹ trong quá trình đặt lịch khám cũng có tác động tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ CSSK và hài lòng của người bệnh đối với y tế tuyến cơ sở; giúp tăng cường năng lực chuyên môn cho NVYT tuyến cơ sở; giúp địa phương hoàn thành các tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao…

Đối với người dân

Theo đánh giá của người dân, việc triển khai phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà” đã giúp họ lựa chọn, đặt lịch khám đúng người và đúng thời điểm mình mong muốn. Trong quá trình KCB tại TYT khi bị nặng hoặc muốn được KCB với bác sỹ tuyến trên, người dân đều được NVYT kết nối trực tuyến. Phần mềm còn có tác dụng đối với hoạt động giáo dục sức khỏe và phòng bệnh. Các thông tin CSSK, phòng bệnh, thông báo phòng chống dịch bệnh... của tỉnh sẽ được gửi vào tài khoản cá nhân của từng người, giúp họ tiếp cận được nguồn thông tin chính thống và kịp thời.

Kết quả khảo sát cho thấy, những tác động tích cực nhất của Dự án đối với người dân là: chủ động được thời gian KCB theo nhu cầu (76,3% số người trả lời); được bác sỹ tuyến trên khám, tư vấn sức khỏe mà không cần đi xa (74,2% số người trả lời); không phải lên bệnh viện tuyến trên giúp cho người dân tiết kiệm chi phí, thời gian và rủi ro trong quá trình đi lại (66,6% số người trả lời)…

Khó khăn và những bất cập

Bên cạnh những tác động tiêu cực, Dự án gặp phải một số khó khăn, bất cập.

Đối với cán bộ y tế, phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà” cũng gặp một số khó khăn như: người dân thường có thói quen vượt tuyến khám chữa bệnh (KCB) và ít có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại TYT xã; chất lượng kết nối và phần mềm không ổn định nên NVYT còn thêm một nhiệm vụ là hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng phần mềm; chưa có cơ chế thanh toán tiền công khám cho NVYT của TYT và tiền hội chẩn/trực chuyên môn cho các bác sỹ của bệnh viện tuyến trên. Qua thảo luận nhóm còn cho thấy, không những không được thanh toán công khám mà NVYT còn phải tự bỏ tiền túi ra trả chi phí kết nối mạng khi dùng điện thoại cá nhân.

Đối với người dân, chưa có thông tin hoặc phần mềm chưa phù hợp với trình độ dân trí, ngôn ngữ của người dân tộc, một số địa phương đã có giải pháp cử đoàn thanh niên hoặc giao cho “Tổ chuyển đổi số” hỗ trợ cài đặt và hướng dẫn người dân sử dụng. Do vậy, doanh nghiệp phát triển phần mềm cần cải tiến giao diện theo hướng đơn giản, dễ sử dụng hoặc có hướng dẫn sử dụng bằng chữ hoặc tiếng dân tộc kèm theo.

NVYT hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà”.

Đối với công tác quản lý, hệ thống văn bản pháp quy chưa hoàn thiện gây trở ngại cho việc triển khai Dự án như: thiếu quy định về thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho các dịch vụ KCB từ xa nên không có cơ sở pháp lý để chi trả tiền khám cho TYT và tiền công hội chẩn, trực chuyên môn của bác sỹ bệnh viện tuyến trên; KCB từ xa có quy trình khám khác so với khám trực tiếp, NVYT phải thao tác trên các thiết bị và phần mềm nhưng hiện nay vẫn chưa có các chuẩn năng lực chuyên môn và tiêu chuẩn CNTT đối với người hành nghề KCB từ xa; danh mục kỹ thuật được thực hiện tư vấn KCB từ xa mặc dù đã được các sở y tế xây dựng nhưng chưa có cơ sở pháp lý vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn của Bộ Y tế làm căn cứ.

Ngoài ra do tình trạng thiếu nhân lực ở tất cả các cơ sở y tế nên chưa thể bố trí được người trực thường trú 24/7 để hỗ trợ tuyến dưới thường xuyên. Nhân lực tại các cơ quan quản lý cũng thiếu, kiêm nhiệm nên tần suất giám sát hỗ trợ cũng chưa được thực hiện đầy đủ kịp thời. Bên cạnh đó, do thiếu đào tạo, tập huấn nên trình độ về CNTT của NVYT ở cả các cơ quan quản lý và cơ sở cung ứng dịch vụ còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc cài đặt, sử dụng phần mềm để khám chữa bệnh từ xa.

*

*      *

Từ kết quả đánh giá, nhóm khảo sát của UNDP đề xuất một số khuyến nghị cần tiếp tục triển khai, hoàn thiện trong thời gian tới gồm: 1) UNDP cần tiếp tục hỗ trợ nâng cấp, cải thiện các tính năng của phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà”, chuyển giao kỹ thuật cho tỉnh tham gia Dự án; 2) Bộ Y tế cần hoàn thiện và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho hoạt động tư vấn, KCB từ xa, tăng cường các nguồn lực để triển khai và nhân rộng Dự án; 3) sở y tế và chính quyền địa phương tiếp tục đào tạo và đào tạo lại định kỳ, xây dựng kế hoạch truyền thông cho người dân về hiệu quả và cách thức tiếp cận dịch vụ đặt lịch khám tại TYT sử dụng phần mềm “Bác sỹ cho mọi nhà”…

Vũ Hưng

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)