Thứ hai, 04/12/2023 14:52

Giải pháp tiết kiệm năng lượng và làm lợi gần 70 tỷ đồng/năm từ Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn

Nguyễn Hoài Vũ

Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn

Hưởng ứng Chương trình “01 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Công đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức, các kỹ sư của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn đã phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để thay đổi chế độ vận hành cho quạt cấp khí main air blower C-1501 tại phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi cặn dầu (RFCC) để tiết kiệm năng lượng. Giải pháp này đã giúp làm lợi cho Công ty gần 70 tỷ đồng/năm. Đây cũng là sáng kiến được vinh danh tại Lễ tôn vinh điển hình sáng kiến vượt khó, sáng tạo, chiến thắng đại dịch do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động từ ngày 01/09/2021-01/09/2023.

Huy động sự sáng tạo của người lao động

Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai từ 01/09/2021 với mục tiêu đến 01/09/2023 đạt 1 triệu sáng kiến. Tuy nhiên, tính đến ngày 03/10/2022, Chương trình đã đạt mốc 1 triệu sáng kiến, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước gần 11 tháng. Chương trình nhằm phát huy tinh thần thi đua sáng tạo trong đông đảo đoàn viên công đoàn, cán bộ, công nhân, người lao động và các cấp công đoàn, quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến thắng dịch bệnh Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Phân xưởng cracking xúc tác tầng sôi cặn dầu (RFCC) của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.

Tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (do Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn quản lý, vận hành) có 14 phân xưởng chính và phân xưởng RFCC được xem là phân xưởng quan trọng nhất, có nhiệm vụ chuyển hóa phân đoạn dầu cặn từ phân xưởng chưng cất khí quyển dầu thô/dầu mỏ (CDU). Phân xưởng RFCC có cấu tạo gồm 3 cụm chính là cụm phản ứng, cụm phân tách và cụm thu hồi. Trong đó, cụm phản ứng được thiết kế với quạt cấp khí có nhiệm vụ cung cấp đủ lượng không khí cho quá trình đốt hoàn toàn cốc ở các thiết bị tái sinh và duy trì tuần hoàn xúc tác liên tục trong hệ thống. Quạt cấp khí tại phân xưởng RFCC được thiết kế với 2 chế độ vận hành gồm điều chỉnh lưu lượng khí bằng thay đổi độ mở van đầu vào và điều chỉnh lưu lượng khí bằng thay đổi tốc độ quạt. Tuy có 2 chế độ vận hành, nhưng kể từ khi Nhà máy được đưa vào vận hành (năm 2009), quạt chỉ được nhà sản xuất hướng dẫn và khuyến cáo nên vận hành quạt liên tục theo chế độ thay đổi độ mở van đầu vào để điều chỉnh lưu lượng khí cấp, còn chế độ vận hành thay đổi tốc độ quạt chỉ được lựa chọn để thực hiện quá trình sấy khô vật liệu chịu lửa của cụm phản ứng.

Qua quá trình vận hành thực tiễn tại phân xưởng RFCC, các kỹ sư của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn nhận thấy, việc thay đổi chế độ vận hành quạt theo chế độ điều chỉnh tốc độ quạt sẽ tiết kiệm đáng kể lượng hơi cao áp tiêu thụ cho tuabin dẫn động quạt, điều này sẽ tiết kiệm về kinh tế và giảm chỉ số tiêu thụ năng lượng của Nhà máy. Tuy nhiên, việc chế độ điều chỉnh lưu lượng khí bằng thay đổi tốc độ quạt cấp khí chưa được kiểm tra, đánh giá, phân tích và chạy thử nghiệm đưa vào sử dụng nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và có nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của cả Nhà máy, mức độ thiệt hại có thể lên đến hàng triệu USD.

Bắt đầu từ năm 2015, các kỹ sư của Nhà máy đã có ý tưởng thay đổi chế độ vận hành của quạt cấp khí trong vận hành bình thường, nhưng việc phản hồi về tính khả thi của phía nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) chưa rõ ràng do liên quan đến vấn đề kiểm tra tình trạng phần cứng thiết bị và tính tương thích của bộ điều khiển khi thay đổi chế độ vận hành SCM, cũng như thiết bị đang vận hành liên tục không thể dừng để kiểm tra nên giải pháp tạm thời chưa được triển khai. Qua 2 năm nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát kỹ lưỡng, trước khi bảo dưỡng tổng thể Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lần thứ 3 năm 2017 (TA3), giải pháp được đưa ra nghiên cứu, phân tích, đánh giá và trao đổi cùng nhà sản xuất thiết bị gốc và được phản hồi có thể thực hiện, đáp ứng các yêu cầu về hoạt động.

Hiệu quả mang lại

Sau khi nghiên cứu, phân tích, đánh giá, so sánh các điểm vận hành thực tế với đặc tính thiết bị và đề xuất thay đổi chế độ vận hành từ sau TA3, tổ chuyên môn của Nhà máy cùng với các chuyên gia của hãng Man Turbo đã tiến hành kiểm tra điều kiện quạt, tính tương thích khi chạy thử nghiệm chế độ vận hành thay đổi tốc độ quạt trong vận hành bình thường tại phân xưởng RFCC. Các kỹ sư đã thay thế cho chế độ vận hành “IGV control mode” trước đây sang chế độ “Speed control mode” và vận hành liên tục cho đến hiện nay. Sau khi được chuyển đổi chế độ của quạt cấp khí trong vận hành bình thường, giải pháp do nghiên cứu, thực hiện đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế và kỹ thuật. Giải pháp đã tiết kiệm được khoảng 8,3 tấn hơi/giờ, hiệu quả kinh tế mang lại trung bình hơn 67 tỷ đồng/năm, riêng năm 2022, giải pháp đã giúp tiết kiệm hơn 101 tỷ đồng. Ngoài ra, giải pháp còn giúp giảm chi phí bảo dưỡng khi chuyển sang chế độ thay đổi tốc độ của quạt cấp khí và không tốn chi phí đầu tư ban đầu. Trong hoạt động vận hành, giải pháp đảm bảo và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về thông số vận hành an toàn, ổn định và giới hạn thiết kế cho phép đối với hệ thống quạt cấp khí ở các chế độ vận hành.

Giải pháp “Thay đổi chế độ vận hành cho quạt cấp khí main air blower C-1501 tại phân xưởng RFCC để tiết kiệm năng lượng” đã góp phần tiết kiệm năng lượng tiêu thụ cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Đây là một trong những giải pháp được nghiên cứu và thực hiện song hành cùng nhiều giải pháp tại Nhà máy để hướng đến mục tiêu phát triển xanh và bền vững, phù hợp với xu thế chuyển dịch năng lượng của Công ty trong tương lai.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)