Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước đã trình bày các báo cáo tham luận về các chủ đề: sự thay đổi đa chiều ở hạ lưu sông Mê Kông dưới tác động của con người và khí hậu - hiện trạng và giải pháp; mạng lưới giám sát sông Mê Kông của MRC - thực trạng giám sát mực nước, dòng chảy và phù sa; năng lực giám sát và ứng dụng của Trung tâm Vũ trụ quốc gia Việt Nam tại vùng Mê Kông; mô hình trong giám sát sự thay đổi của đồng bằng; ảnh hưởng của con người và khí hậu đến sự biến động phù sa trong dòng sông sông Mê Kông; các ứng dụng lý thuyết và thực tế trong đo đạc sóng ngắn thụ động phục vụ đo đạc sông và hồ; kết quả bước đầu trong việc ứng dụng sóng ngắn của dữ liệu vệ tinh NASA SMAP trong đo đạc đoạn sông, dòng chảy sông và hồ ở hạ lưu sông Mê Kông và sông Sài Gòn; thiếu hụt nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long - nguyên nhân và giải pháp cho việc quản lý nguồn nước trong điều kiện biến đổi khí hậu; tối ưu nguồn nước nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro…
Hội thảo đã góp phần hệ thống các kiến thức và ứng dụng liên quan sông Mê Kông; đồng thời xác định khoảng trống trong kiến thức khoa học, nhu cầu ứng dụng, dữ liệu còn thiếu và kết nối nhà khoa học với cộng đồng nhằm đề xuất các định hướng nghiên cứu phục vụ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long và dòng Mê Kông trong tương lai.
Trương Hằng