Thứ sáu, 24/11/2023 16:16

Hợp tác khảo sát quốc tế bằng tàu Viện sỹ Lavrentyev

Viện Địa chất và Địa vật lý biển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa phối hợp với Viện Hải dương học Thái Bình Dương, Phân viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga (POI FEBRAS) thực hiện thành công chuyến khảo sát quốc tế bằng tàu "Akademik M.A. Lavrentyev" trên vùng biển Việt Nam.

Trong chuyến khảo sát, các nhà khoa học hai nước đã phối hợp thực hiện nghiên cứu với các công việc như: lấy mẫu trầm tích đáy, lấy mẫu khoáng sản biển, lấy mẫu nước, mẫu vi sinh vật và đo địa vật lý, các thông số hải dương học, thủy âm học; tiến hành một số thí nghiệm phân tích tại chỗ trong các phòng thí nghiệm được trang bị sẵn trên tàu. Kết thúc chuyến khảo sát, một hệ thống lớn cơ sở dữ liệu về mẫu, số liệu đo đạc và các kết quả phân tích tại chỗ đã được bàn giao lại cho Viện Địa chất và Địa vật lý biển để tiến hành các nghiên cứu tiếp theo.

Qua chuyến khảo sát, các nhà khoa học Việt Nam đã có cơ hội hợp tác, trao đổi nghiên cứu, tiếp cận những công nghệ tiên tiến, cơ sở dữ liệu khoa học biển và công bố nghiên cứu khoa học. Về hợp tác trao đổi nghiên cứu, một số vấn đề còn tồn tại trong nghiên cứu địa chất, địa vật lý, khoáng sản biển và hải dương học đã được các thành viên hai nước đưa ra trao đổi trực tiếp trên thực địa. Theo đó, các mẫu và số liệu đo đạc chưa đạt tiêu chuẩn khoa học được thực hiện lại cũng như các vùng có cấu trúc địa vật lý, hải dương học đặc biệt được quan tâm đo đạc với tỷ lệ cao hơn. Về tiếp cận những công nghệ tiên tiến, các thành viên của đoàn Việt Nam đã tiếp cận được những công nghệ về xử lý kỹ thuật các tình huống phát sinh trong nghiên cứu biển ở vùng nước sâu; quy trình công nghệ xử lý mẫu phục vụ nghiên cứu địa hóa khí, tách khí; quy trình lấy mẫu vi sinh; phương pháp xử lý tài liệu đo thủy âm và địa vật lý ngoài thực địa… Kết quả khảo sát thực địa đã tạo ra hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành địa chất, địa vật lý, khoáng sản biển, địa hóa khí và hải dương học tại vùng nước sâu tại 3 khu vực lớn trên thềm lục địa Việt Nam: Khu vực I, thềm lục địa Đông Nam (bể trầm tích Nam Côn Sơn, phụ bể Đông Nam trũng sâu biển Đông); khu vực II trên thềm lục địa Nam Trung Bộ (bể trầm tích Phú Khánh) và khu vực III trong thềm lục địa Bắc Trung Bộ (phía Nam bể trầm tích sông Hồng). Sau chuyến khảo sát, các nhà khoa học 2 nước đã xuất bản một chuyên khảo về các kết quả nghiên cứu của tàu "Akademik M.A. Lavrentyev".

Phối hợp lấy mẫu nước và đo các tham số hải dương học.

TS Đỗ Huy Cường - Viện Địa chất và Địa vật lý biển cho biết: Các số liệu địa chất, địa vật lý, hải dương học thu thập trong nghiên cứu này đóng góp quan trọng cho các nghiên cứu về biển hiện tại và tương lai. Đồng thời, kết quả nghiên cứu có thể được sử dụng cho các ngành khai thác, tìm kiểm khoáng sản biển và ứng dụng trong việc xây dựng các công trình biển sâu, đánh giá các rủi ro tai biến tiềm ẩn dưới đáy biển.

Chu Ngân - Phong Vũ

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)