Thứ năm, 23/11/2023 14:53

Sản xuất đồng sunfat từ xỉ nấu đồng thau trong các làng nghề đúc đồng truyền thống

Thông qua việc thực hiện dự án cấp bộ: “Nghiên cứu công nghệ thu hồi các nguyên tố có ích trong xỉ đúc đồng thau”, các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) đã hoàn thiện công nghệ, sản xuất thành công sản phẩm đồng sunfat từ xỉ nấu đồng thau, góp phần tận dụng nguồn nguyên liệu dư thừa từ quá trình đúc đồng ở các làng nghề hiện nay.

Tận dụng phụ phẩm từ đồng và hoàn thiện công nghệ sản xuất

Thống kê cho thấy, hầu hết các làng nghề đúc đồng truyền thống ở Việt Nam trong quá trình sản xuất đều dư thừa một lượng xỉ đồng nhất định. Khảo sát thực tế tại làng nghề đúc đồng Đại Bái (huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cho thấy, đây là một trong những làng nghề quy mô lớn nhất cả nước. Hiện nay, làng nghề Đại Bái có hơn 100 cơ sở đúc và chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ như tượng đồng, chuông, đồ thờ cúng... Với sản lượng hiện tại, mỗi tháng làng nghề sản sinh ra 200-300 tấn xỉ nấu đồng thau. Tuy nhiên, lượng xỉ này chưa được xử lý triệt để nhằm tận dụng các giá trị gia tăng từ các kim loại còn sót lại, gây ô nhiễm môi trường.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc nghiên cứu thu hồi các nguyên tố có ích trong xỉ thải của quá trình đúc đồng thau tại các làng nghề hiện nay, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện dự  án: “Nghiên cứu công nghệ thu hồi các nguyên tố có ích trong xỉ đúc đồng thau”.

Tìm hiểu thực tiễn, dự án nhận thấy, trong xỉ nấu đồng thau, đồng tồn tại ở 2 dạng là đồng hợp kim kẽm và đồng oxit. Để hòa tách 2 loại hợp kim trên cần rất nhiều thời gian và hóa chất. Do đó, dự án đã tiến hành hoàn thiện công nghệ theo hướng nghiên cứu bổ sung công đoạn tuyển trọng lực để phân tách oxit kim loại loại mịn trước khi đem hòa tách và nghiên cứu công nghệ kết tủa đồng cacbonat (với tác nhân soda) nhằm giảm giá thành sản phẩm. Ngoài ra, dự án đã nghiên cứu thêm quá trình tạo bột đồng từ dung dịch thay vì tạo ra sản phẩm đồng hydroxit hay đồng cacbonat.

Kết quả đạt được

Theo đơn đặt hàng dự án phải nghiên cứu hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm 200 tấn đồng sunfat và 150 tấn kẽm cacbonat từ xỉ nấu đồng thau trên dây chuyền thiết bị theo quy mô bán công nghiệp với năng suất là 500 kg đồng sunfat/ngày đêm và 300 kg kẽm cacbonat/ngày đêm.

Các nhà khoa học của VIMLUKI đã hoàn thiện công nghệ và sản xuất được 201 tấn đồng sunfat và 150 tấn kẽm cacbonat từ xỉ nấu đồng thau trên cả dây chuyền thiết bị theo quy mô bán công nghiệp và dây chuyền thiết bị theo quy mô công nghiệp với năng suất là 5.000 kg đồng sunfat/ngày đêm và 3.000 kg kẽm cacbonat/ngày đêm. Ngoài ra, dự án còn hoàn thiện công nghệ và sản xuất thêm được 54 tấn kẽm sunfat.

Hội thảo xin ý kiến chuyên gia về kết quả dự án: “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng sunfat từ xỉ nấu đồng thau” tại VIMLUKI.

Dự án đã chuyển giao quy trình sản xuất thử nghiệm đồng sunfat và kẽm cacbonat từ xỉ nấu đồng thau cho Công ty TNHH Linh Dương Star với công suất 200 tấn đồng sunfat/tháng để đưa vào sản xuất thực tế. Đến nay, Công ty đã làm chủ được công nghệ, sản phẩm làm ra tới đâu được tiêu thu hết tới đó, đặc biệt đã có 154 tấn đồng sunfat được xuất khẩu sang Malaysia, Indonesia... Với việc tiếp nhận quy trình sản xuất được chuyển giao từ VIMLUKI, sản phẩm của dự án đã giúp Công ty tăng doanh thu và thu nhập bình quân cho người lao động, cụ thể, đối với kỹ sư vận hành trước kia lương dao động 13-14 triệu đồng/tháng nay tăng lên 16-17 triệu đồng/tháng; đối với công nhân kỹ thuật trước kia lương giao động 6-8 triệu đồng/tháng nay tăng lên 9-11 triệu đồng/tháng.

Quá trình sản xuất đã được chuyển giao cho Công ty TNHH Linh Dương Star.

Hiện nay, Công ty TNHH Linh Dương Star vẫn đang tiếp tục sản xuất và cung cấp 2 sản phẩm đồng sunfat và kẽm sunfat ra thị trường. Hướng phát triển tiếp theo của Công ty là sẽ phối hợp cùng VIMLUKI nghiên cứu. phát triển đa dạng nguồn liệu về đồng để đảm bảo công suất của dây chuyền, tiếp tục nghiên cứu áp dụng được với nhiều nguồn nguyên liệu đồng khác nhau để đáp ứng nhu cầu của thị trường đồng sunfat trong nước, hướng tới xuất khẩu.

Có thể khẳng định, việc hoàn thiện quy trình nghiên cứu và sản xuất đồng sunfat từ xỉ nấu đồng thau do các nhà khoa học thuộc VIMLUKI triển khai có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, giúp nâng cao tính chủ động trong việc xử lý nguồn phụ phẩm từ quá trình đúc đồng, góp phần tăng thêm giá trị của nghề đúc đồng truyền thống và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Phong Vũ - Minh Khuê

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)