Tạp chí KH&CN Việt Nam - tiền thân là tờ Tin tức Hoạt động Khoa học xuất bản số đầu tiên năm 1959. Từ số tháng 1/1971 phát triển thành Tạp chí Hoạt động Khoa học. Hiện nay, Tạp chí có 4 bản in: bản A phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN; bản B phục vụ hoạt động công bố các công trình nghiên cứu khoa học bằng tiếng Việt; bản C phục vụ hoạt động công bố các công trình nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật; bản D phục vụ hoạt động công bố các công trình nghiên cứu khoa học bằng tiếng Anh trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Tạp chí điện tử KH&CN Việt Nam đăng tải các tin, bài phục vụ công tác quản lý nhà nước về KH&CN.
Tạp chí KH&CN Việt Nam đã nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan quản lý và nhà khoa học trong thời gian qua. Tạp chí được Hội đồng Giáo sư Nhà nước tính điểm công trình cao ở nhiều ngành/liên ngành và có mặt trong Danh mục tạp chí quốc gia uy tín của Quỹ Phát triển KH&CN Việt Nam (NAFOSTED); tham gia cơ sở dữ liệu quốc tế OAJI (Open Academic Journals Index) và DOAJ (Directory of Open Access Journals)…
Tại Hội nghị, TS Nguyễn Thị Hương Giang - Tổng biên tập Tạp chí KH&CN Việt Nam chia sẻ, với quy trình xuất bản nghiêm túc, theo thông lệ quốc tế như check đạo văn bằng iThenticate, mỗi bài báo được đánh giá bởi ít nhất 2 phản biện kín, xử lý trên hệ thống ScholarOne Manuscripts của Clarivate, hiệu đính ngôn ngữ tiếng Anh bản xứ, gắn DOI khi xuất bản…, Tạp chí đặt mục tiêu đưa bản C và D sớm có mặt trong các cơ sở dữ liệu khoa học uy tín của thế giới như Scopus, Web of Science, góp phần nâng cao tiềm lực và vị thế của KH&CN Việt Nam trên bản đồ KH&CN thế giới. Qua Hội nghị này, Tạp chí mong muốn nhận được sự chung tay, góp sức của các nhà khoa học trong thời gian tới để Tạp chí sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, các nhà khoa học đánh giá cao những kết quả đã đạt được của Tạp chí trong thời gian qua và đóng góp nhiều ý kiến cho sự phát triển của Tạp chí như: tăng cường quảng bá về tạp chí đến các nhà khoa học trong và ngoài nước; tổ chức các hội thảo khoa học quốc tế để thu hút thêm nguồn bài từ các tác giả quốc tế; nâng cao khả năng tìm kiếm về tạp chí trên internet để tăng số lượng trích dẫn của tạp chí; hợp tác với các nhà xuất bản quốc tế uy tín; phối hợp với các viện nghiên cứu, trường đại học xuất bản các số đặc biệt; vinh danh sự đóng góp của các nhà khoa học tham gia viết bài, phản biện cho tạp chí…
CT