Thứ tư, 22/11/2023 16:57

Rắn độc Việt Nam: Đa dạng loài, tầm quan trọng trong nghiên cứu và quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, có rất nhiều loài rắn, trong đó có các loại rắn độc như hổ mang chúa, cạp nong, cạp nia, rắn chàm quạp… nên nếu không may bị tai nạn rắn độc cắn có thể gây tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề. Việc nghiên cứu các tập tính về rắn độc, đặc biệt là nghiên cứu để sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn đã được PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo - Viện Nghiên cứu hệ gen (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đặc biệt quan tâm triển khai từ nhiều năm qua.

Nhằm phổ biến các kiến thức có liên quan đến loài rắn độc tại Việt Nam, ngày 22/11/2023, Trung tâm Thông tin - Tư liệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp với Viện Nghiên cứu hệ gen tổ chức buổi thuyết giảng: “Rắn độc Việt Nam: Đa dạng loài, tầm quan trọng trong nghiên cứu và quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam”.

PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo cho biết, là quốc gia có khí hậu nhiệt đới, với hơn 200 loài rắn, trong đó khoảng 25% là rắn độc, Việt Nam có sự đa dạng sinh học rất phong phú cả về hệ động, thực vật cả ở trên cạn lẫn dưới nước. Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu chế tạo thành công huyết thanh kháng nọc rắn độc đặc hiệu, điều chế thành công các loại huyết thanh kháng rắn độc cắn, tuy nhiên việc phát triển hướng nghiên cứu này còn gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo chia sẻ thông tin về các loài rắn độc tại Việt Nam.

Với mong muốn có những nghiên cứu chuyên sâu về loài rắn độc, từ đó tìm kiếm giải pháp để quản lý tai nạn rắn độc cắn ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã thành lập nhóm chuyên gia để giám định, hỗ trợ các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân không may bị rắn độc cắn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Với sự hỗ trợ của PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo và các thành viên trong nhóm, nhiều bệnh nhân không may bị rắn độc cắn đã được hỗ trợ, cứu sống kịp thời. Hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo đã xây dựng được cơ sở dữ liệu ban đầu về dịch tễ rắn độc và xác định được các loài rắn độc thường gặp để có cơ sở khoa học quan trọng cho công tác nghiên cứu, phát triển sản xuất huyết thanh kháng nọc độc của một số loài rắn thường gặp ở Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Thiên Tạo được biết đến là tác giả và đồng tác giả của 136 bài báo khoa học, trong đó có 118 bài trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of Science. Ông đã và đang chủ nhiệm 20 đề tài/nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó có 5 nhiệm vụ cấp nhà nước, 5 dự án hợp tác quốc tế, hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh, 9 cao học… về chuyên ngành phân loại học, hệ thống học, tiến hoá các loài bò sát và ếch nhái, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên…

Phong Vũ

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)