Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, với nỗ lực của Ban Chủ nhiệm Chương trình và các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, Chương trình KC-4.0/19-25 đã nhận được sự quan tâm lớn của các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy vậy, việc triển khai Chương trình cũng gặp nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có sự đánh giá nghiêm túc để định hướng cho việc triển khai giai đoạn tới.
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt có một số vấn đề quan trọng cần được quan tâm như:
Một là, cần làm rõ các nội dung trọng tâm của Chương trình KC-4.0/19-25 cho giai đoạn tới, trong đó, cần bám sát nhu cầu thực tiễn và các định hướng của Đảng và Nhà nước và đồng thời phải đảm bảo được tính kế thừa, phát huy được điểm mạnh của Chương trình ở giai đoạn vừa qua. Cần làm rõ khung Chương trình giai đoạn tới theo hướng làm chủ, phát triển các công nghệ của Cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung nghiên cứu ứng dụng các công nghệ chủ chốt mà Việt Nam có lợi thế để tạo ra các sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; hỗ trợ phát triển và đổi mới các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức trong các lĩnh vực ưu tiên cần chuyển đổi số.
Hai là, cần có các nghiên cứu tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động, xây dựng và cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ba là, thời gian qua, các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã có các thảo luận sôi nổi về các vấn đề liên quan đến đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng và triển khai các công nghệ. Do đó, Chương trình cũng cần có các nghiên cứu về các bộ quy tắc về đạo đức và trách nhiệm trong việc phát triển, ứng dụng các công nghệ, công cụ hỗ trợ thực hành và đánh giá việc áp dụng các bộ quy tắc đạo đức và trách nhiệm… để tạo thuận lợi, chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời phòng ngừa, ứng phó các tác động tiêu cực đến xã hội, con người Việt Nam.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân phát biểu tại Hội thảo.
Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Chương trình KC-4.0/19-25 Vũ Hải Quân cho biết, sau hơn 4 năm triển khai, đã có hơn 500 đề xuất đăng ký tham gia Chương trình, trong đó đã lựa chọn, triển khai 74 nhiệm vụ hỗ trợ các ngành, lĩnh vực chủ lực, quan trọng của đất nước, góp phần thúc đẩy việc tiếp cận với các thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0. Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh Vũ Hải Quân khẳng định, Chương trình KC-4.0/19-25 đã góp phần thúc đẩy việc tiếp cận với các thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, thực tế số lượng các đề tài ở khu vực từ Đà Nẵng trở vào phía Nam tham gia Chương trình còn ít, trong khi năng lực nghiên cứu, khả năng thu hút đầu tư xã hội của các viện nghiên cứu, trường đại học phía Nam rất lớn. Từ đó, ông Vũ Hải Quân đề xuất cải tiến thủ tục hành chính để nhà khoa học nộp hồ sơ trực tuyến, tránh làm chậm quá trình đăng ký đề tài, nhất là đối với các nhà khoa học khu vực phía Nam.
Toàn cảnh Hội thảo.
Báo cáo sơ kết, đánh giá Chương trình giai đoạn 2019-2023, định hướng mục tiêu, nội dung và sản phẩm Chương trình giai đoạn đến năm 2030, Phó Chủ nhiệm Chương trình Nguyễn Thanh Thủy cho biết, đến nay Chương trình đã đạt được một số kết quả tích cực. Một số giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt của của Cách mạng công nghiệp 4.0 như AI, chuỗi khối, phân tích dữ liệu lớn, robot... Thông qua Chương trình, năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học từng bước được nâng cao, hình thành được một số nhóm nghiên cứu mạnh. Đáng chú ý, các nhiệm vụ đều có sự tham gia của doanh nghiệp, đặc biệt một số nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng và chuyển giao, qua đó thúc đẩy sự gắn kết giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Thông qua các nhiệm vụ, các tổ chức nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước sẽ làm chủ các công nghệ chủ chốt của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Tại nội dung trao đổi, thảo luận các đại biểu tham dự cho rằng, cần có sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các nhà khoa học liên ngành để có thêm nhân lực và nguồn lực, giúp thực hiện được những đề tài xứng tầm. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cần được hướng dẫn cụ thể hơn về thủ tục hành chính, quy trình đăng ký, cách triển khai đề tài phù hợp với nội dung Chương trình; các đại biểu đề xuất cần có cơ chế đơn giản hóa các thủ tục hành chính tạo thuận lợi hơn cho các nhà nghiên cứu có thời gian tập trung chuyên môn thực hiện các sản phẩm của đề tài. Ngoài ra, đối với những đề tài không được xét duyệt, các nhà khoa học cũng mong nhận được những nhận xét, phản hồi cụ thể từ hội đồng chuyên gia để các nhà khoa học biết được điểm mạnh, điểm yếu của đề tài, từ đó sửa đổi và hoàn thiện hơn.
Xuân Bình