Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Hải - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế tri thức, Việt Nam đang có nhiều cơ hội và thách thức, trong đó, đặc biệt là phát triển chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo. Đối với Việt Nam, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, theo đó, giáo dục và đào tạo là một trong những lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều hoạt động và thành tựu đáng khích lệ, góp phần quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu giáo dục và phát triển bền vững của đất nước. GS.TS Trần Ngọc Hải thông tin thêm, Trường Đại học Cần Thơ đã có nhiều chủ trương, giải pháp tăng cường chuyển đổi số trong quản trị và đào tạo; đồng thời đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như thực hiện nhiều đề tài/dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nông nghiệp, thủy sản, môi trường, chính quyền số cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Trong các hoạt động trên, hợp tác trong nước và quốc tế, giữa các bên liên quan như viện, trường, các cơ sở giáo dục, cơ quan chính quyền và công ty, doanh nghiệp là đặc biệt quan trọng.
Với 4 phiên toàn thể và các phiên báo cáo song song, nội dung trọng tâm của Hội thảo nhằm hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức của các bên liên quan về các yếu tố then chốt trong chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục đại học, đánh giá tổng quan hiện trạng và các điều kiện cần thiết cho chiến lược chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam. Bên cạnh đó, hội thảo cũng tạo cơ hội học tập kinh nghiệm từ các sáng kiến và chương trình ứng dụng chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại các quốc gia châu Âu và các nước phát triển khác trên thế giới, góp phần tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Minh Đức