Thứ hai, 28/08/2023 09:59

Đối thoại chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Ngày 25/08/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đã tổ chức Tọa đàm đối thoại chính sách khoa học và công nghệ (KH&CN). Tọa đàm là diễn đàn để cộng đồng các nhà khoa học của ĐHQGHN cùng các nhà quản lý trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST).

Tại hội thảo, Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn cho biết, thời gian qua, tiềm lực KH&CN ở ĐHQGHN được quan tâm đầu tư phát triển với hơn 100 nhóm nghiên cứu, trong đó có 28 nhóm nghiên cứu mạnh, 06 nhóm nghiên cứu tiềm năng. Tỷ lệ cán bộ khoa học trình độ cao tiếp cận tiêu chí của đại học nghiên cứu, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học đạt trình độ quốc tế có khả năng triển khai các nghiên cứu đột phá, các chương trình, nhiệm vụ nghiên cứu lớn.

ĐHQGHN tiếp tục chuyển dịch sang mô hình đại học trách nhiệm xã hội cao, phục vụ trực tiếp sự phát triển của xã hội bằng việc thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo, chuyển giao tri thức. Số lượng đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích của ĐHQGHN gia tăng liên tục theo các năm. Các nhóm sản phẩm KH&CN của ĐHQGHN được định hướng và quy hoạch theo 4 nhóm lĩnh vực chính: khoa học xã hội và nhân văn; khoa học tự nhiên và y dược; khoa học công nghệ và kỹ thuật; khoa học liên ngành, liên lĩnh vực. Trong năm 2023, ĐHQGHN triển khai đầu tư cho 15 nhóm nghiên cứu mạnh để có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với thực tiễn.

Nhiều nhà khoa học là giám đốc của các phòng thí nghiệm trọng điểm, các nhóm nghiên cứu mạnh trong toàn ĐHQGHN đã đánh giá cao những chính sách KH&CN trọng điểm mà ĐHQGHN đã đưa ra. Các chính sách gắn sát với thực tiễn đã tạo động lực và hành lang pháp lý để các nhà khoa học phát huy và làm nghiên cứu. Những chính sách KHCN&ĐMST mà ĐHQGHN ban hành cũng đã tạo cơ hội để thu hút nhiều nhà khoa học trẻ về làm việc tại các phòng thí nghiệm trọng điểm và tạo lập nên nhiều nhóm nghiên cứu mạnh trong toàn ĐHQGHN.

Một số đại biểu cũng chia sẻ những khó khăn như cơ chế, chính sách còn nhiều vướng mắc, thủ tục còn khó khăn, mất nhiều thời gian, chi phí hỗ trợ sửa chữa, bảo hành các hệ thống máy móc phòng thí nghiệm còn chưa đáng kể làm ảnh hưởng quá trình nghiên cứu tạo nên sản phẩm mới còn chậm. Các nhà khoa học mong muốn trong thời gian tới, ĐHQGHN tập trung đầu tư ngành khoa học mũi nhọn, đầu tư mạnh cho các phòng thí nghiệm trọng điểm và cần có cơ chế phối thuộc rõ ràng hơn. Ngoài ra, ĐHQGHN cần có cơ chế, chính sách rõ ràng hơn cho cả đội ngũ vận hành, chính sách tài chính cho bảo dưỡng trang, thiết bị máy móc thường xuyên... để các nhà khoa học tập trung vào chuyên môn và mang lại các sản phẩm nghiên cứu hiệu quả hơn.

Trưởng Ban KH&CN Vũ Văn Tích đã chia sẻ về những chính sách KH&CN trọng điểm mà ĐHQGHN đã và đang tập trung như: công tác cán bộ, nhà khoa học nhằm quy tụ các nhà khoa học có năng lực theo nhóm nghiên cứu mạnh, thu hút và trọng dụng nhà khoa học trình độ cao, cử các nhà khoa học trẻ đi đào tạo tại nước ngoài; phát triển các tổ chức KH&CN mới như thành lập nhóm nghiên cứu mạnh quốc tế, công nhận Phòng thí nghiệm trọng điểm, phát triển doanh nghiệp spin-off, xây dựng các Hub đổi mới sáng tạo (đại học doanh nghiêp); thúc đẩy các chương trình nghiên cứu, hoạt động mới nhằm phân cấp các chương trình trọng điểm cấp ĐHQGHN; đẩy mạnh hỗ trợ công bố quốc tế, sáng chế, giải pháp hữu ích; phát triển các hoạt động chuyển giao, thương mại hoá, văn hóa khởi nghiệp, gia tăng hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và hình thành các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia; gia tăng các nguồn lực phục vụ hoạt động KHCN&ĐMST, phát triển quỹ đầu tư KH&CN cấp ĐHQGHN, hình thành quỹ định danh của doanh nghiệp...; đẩy mạnh hợp tác, đồng tài trợ nghiên cứu, phân cấp quản lý và quản trị nguồn lực cho các đơn vị theo mô hình song phương và đa phương các nguồn lực…

Thùy Dương, Quốc Toản

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)