Thứ sáu, 25/08/2023 10:12

Lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững

Ngày 24/08/2023 tại Hà Nội, Trung tâm Quốc tế Đào tạo và Nghiên cứu Toán học UNESCO (ICRTM) thuộc Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF tổ chức sự kiện “Các bài giảng đại chúng về phát triển bền vững” nhằm lan tỏa tinh thần nghiên cứu, phát triển bền vững của UNESCO, thúc đẩy sự giao lưu, hợp tác đến đông đảo các nhà nghiên cứu trẻ trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, lịch sử… Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu viên trong cả nước.

Tại sự kiện, PGS.TS Phan Thị Hà Dương - Phó Giám đốc ICRTM, Giám đốc Điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF cho biết, Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nhằm chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, trong đó đề ra 17 mục tiêu chính cùng 115 mục tiêu cụ thể. Nhằm hưởng ứng tinh thần nhân văn đó, đồng thời để phổ biến các kiến thức có giá trị đến xã hội, ICRTM và Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa và sức lan tỏa rộng như sự kiện bài giảng đại chúng “Toán học trong nghiên cứu khí hậu và biến đổi khí hậu quy mô khu vực” vào năm 2022. Năm 2023, ICRTM và Quỹ Đổi mới sáng tạo VINIF tiếp tục tổ chức sự kiện “Các bài giảng đại chúng về phát triển bền vững” liên quan đến lĩnh vực vật liệu mới và văn hóa xã hội - những vấn đề quan trọng cho sự phát triển bền vững của xã hội hiện đại.

Trong bài giảng: “Thời cơ cho vật liệu nano từ sinh học và theo dõi sức khỏe” của GS.TS Phan Mạnh Hưởng - Giám đốc Phòng thí nghiệm cảm biến và vật liệu tiên tiến, Khoa Vật lý, Đại học Nam Florida, Hoa Kỳ đã chia sẻ góc nhìn về những cơ hội đang nổi lên và cả những thách thức hiện tại trong lĩnh vực nghiên cứu liên ngành này, đồng thời đề xuất các chiến lược mới để vượt qua các thách thức đó. Giáo sư cũng chia sẻ đang và sẽ tập trung vào những phát triển mới nhất trên nền tảng các cảm biến từ không tiếp xúc, không xâm nhập trong việc chẩn đoán, theo dõi và điều trị COVID-19 và những bệnh đường hô hấp khác thông qua khai thác từ trường và học máy. Công nghệ này có thể ứng dụng trong các cơ sở và hệ thống chăm sóc sức khỏe tại điểm hoặc từ xa, có tiềm năng nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe tổng thể và thúc đẩy các nỗ lực đo đạc sức khỏe cộng đồng hiệu quả hơn để đối phó với sự lan rộng của dịch bệnh.

Với bài giảng: “Không gian phát triển tri thức của người Việt: Vài suy nghĩ bước đầu về sự hình thành, những cản trở, viễn cảnh tương lai”, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Alpha Books, Viện trưởng Viện lãnh đạo ABG; Phó Chủ tịch Thường trực Trung tâm Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (VAPEC) đã nêu lên một bức tranh tổng quan về không gian phát triển tri thức của người Việt từ hàng ngàn năm trước cho đến thời hiện đại. Trong đó, nhiều trăn trở về những bất cập, hạn chế trong việc tạo lập một môi trường “thoáng, rộng” cho sự tranh luận tư tưởng, tri thức trong xã hội; một số sự bó hẹp trong các truyền thống “Á Đông” thực sự đã gây cản trở cho quá trình tiếp cận tri thức mới trên thế giới của người Việt. Bài giảng cũng đưa ra những nhận định, lý luận và biện giải cho không gian phát triển tri thức người Việt và đặt trọng tâm vào 2 trụ cột chính ảnh hưởng đến sự phát triển này: sự xuất hiện chữ viết và bối cảnh kinh tế thời đại…

Chu Ngân

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)