Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức toàn cầu lớn hiện nay, điều này đặt ra yêu cầu cho mỗi cá nhân, tập thể phải hành động mạnh mẽ, thay đổi trong thói quen sản xuất và tiêu dùng để bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Các từ khóa “giảm thiểu các bon”, “phát thải ròng bằng 0 (net-zero)”, “trung hoà các bon”... ngày càng thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt net-zero vào năm 2050.
Trong bối cảnh trên, lộ trình xanh hoá Việt Nam và phát triển bền vững đòi hỏi sự vào cuộc của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cả cộng đồng; đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội hiệu quả hơn, tăng khả năng tác động, lan tỏa để tạo giá trị chung. Tại nhiều quốc gia phát triển, CSR hiện nay đã trở thành xu hướng mới so với CSR truyền thống khi doanh nghiệp biến các thách thức xã hội, môi trường trở thành cơ hội, chiến lược kinh doanh bền vững. Hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội đóng góp tích cực trong mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường, tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, nâng cao vị thế, uy tín thương hiệu và hướng tới đạt được lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.
Bà Brenda Candries - đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, bà Brenda Candries cho biết, EU coi trọng việc hợp tác với các tổ chức xã hội và các hiệp hội của khu vực tư nhân để đạt sự phát triển bền vững và bao trùm, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi lĩnh vực hợp tác. Do đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức xã hội để mang lại cơ hội kết nối và xây dựng mạng lưới, nhằm bảo đảm chuỗi giá trị toàn cầu có khả năng chống chọi và bền vững hơn. Bà Brenda Candries nhấn mạnh, EU đang đề xuất đưa ra bộ luật mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Tính bền vững là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ song phương giữa EU, các quốc gia thành viên EU và Việt Nam. Đề xuất mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp châu Âu được đưa ra hồi tháng 2/2022, sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bảo vệ quyền con người tại châu Âu và các khu vực khác. Do đó, các doanh nghiệp có hợp tác kinh doanh với EU bắt buộc phải tuân thủ các quy định này nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh với EU. Đây cũng chính là những thách thức chính đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam.
TXB