Ông Bùi Trung Nghĩa - Phó Chủ tịch VCCI cho biết, để các doanh nghiệp ngành du lịch phục hồi, hội nhập và phát triển, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, quá trình chuyển đổi số là nhu cầu thiết yếu. Để làm được điều đó, đòi hỏi sự quyết liệt, đổi mới cả trong tư duy lẫn hành động của toàn ngành du lịch từ cơ quan quản lý, cùng ý thức, trách nhiệm cũng như sự cố gắng, nỗ lực từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Thực tế cho thấy, quá trình chuyển đổi số của ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là vẫn còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng lao động ngành du lịch chưa đồng đều, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế, các giải pháp và nền tảng, hạ tầng công nghệ số còn chưa đầy đủ, dịch vụ du lịch tương đối tụt hậu so với các nước trong khu vực… Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, bên cạnh sự đầu tư của Chính phủ còn cần những giải pháp xã hội hóa để huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm đầu tư cho quá trình chuyển đổi số.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đã đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch số; phát huy cơ chế hợp tác công - tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, nhất là với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực…
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng, để phát triển ngành du lịch trong bối cảnh hiện đại, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển du lịch thông minh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các chủ thể trong hoạt động du lịch về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ để phát triển du lịch thông minh và bền vững có vai trò quan trọng.
Bùi Linh Chi