KH&CN là động lực phát triển kinh tế - xã hội
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng Nai là một trong ba góc của tam giác phát triển TP Hồ Chí Minh - Bình Dương - Đồng Nai. Trên địa bàn tỉnh có hơn 41.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký trên 300.000 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 31 khu công nghiệp, trên 1.400 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 30 tỷ USD. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chăn nuôi và sản xuất nông sản. Nhiều trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu chọn Đồng Nai là nơi xây dựng cơ sở. Những yếu tố trên là tiền đề, tạo điều kiện thuận lợi để KH&CN Đồng Nai có điều kiện phát triển.
Xác định được những lợi thế của tỉnh, ngành KH&CN đã sớm tập trung triển khai các chương trình KH&CN phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương. Từ năm 2003, ngành KH&CN Đồng Nai đã chú trọng phát triển công nghệ thông tin thông qua hoạt động đào tạo tin học trình độ A và B cho hàng nghìn cán bộ từ tỉnh đến xã, ấp và triển khai Mạng lưới thông tin KH&CN trong toàn tỉnh. Đặc biệt, sở KH&CN Đồng Nai là đơn vị tiên phong nghiên cứu triển khai hệ thống Văn phòng điện tử I-Office và các ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo điều hành, góp phần cải cách nền hành chính và là tiền đề cho chuyển đổi số. Các hệ thống phần mềm do sở KH&CN Đồng Nai xây dựng và phát triển đến nay vẫn đang được nhiều cơ quan đơn vị trong và ngoài tỉnh ứng dụng trong chỉ đạo điều hành.
Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Đồng Nai cũng là tỉnh có nhiều bước đi đột phá. Đặc biệt là việc thành lập Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai. Đây là tiền đề để tỉnh xây dựng Khu công nghệ cao Công nghệ sinh học Đồng Nai. Trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, nhiều nhiệm vụ KH&CN đã được triển khai, bám sát các chủ trương và định hướng của tỉnh. Để quản lý và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ này, hội đồng KH&CN các cấp đã được thành lập để tuyển chọn các nhiệm vụ KH&CN, nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã được triển khai kịp thời. Nhờ đó, đã có hàng trăm đề tài, dự án, nhiệm vụ KH&CN được triển khai trên tất cả các lĩnh vực như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, y tế, giáo dục, an ninh quốc phòng, khoa học xã hội và nhân văn, đóng góp hiệu quả cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong giai đoạn 2016-2022, ngành KH&CN đã có nhiều đột phá về đổi mới cơ chế tuyển chọn, đặt hàng các nhà khoa học trong thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp bách, nhiệm vụ phục vụ công tác quản lý, điều hành và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành này đã góp phần nâng cao chất lượng các nhiệm vụ KH&CN khi ứng dụng vào thực tiễn. Trong 6 năm gần đây, ngành KH&CN đã tổ chức triển khai thực hiện 136 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh và cấp cơ sở theo 06 chương trình mục tiêu tổng hợp đã đặt ra trong Quy hoạch phát triển KH&CN tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, ngành KH&CN tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được 108 mô hình sản xuất, hệ thống quản lý, quy trình, công cụ... và đã chứng minh hiệu quả trong thực tế.
Bên cạnh đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, cải tiến quy trình sản xuất, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ... đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cụ thể, ngành KH&CN tỉnh đã hỗ trợ 10 doanh nghiệp xây dựng hồ sơ đăng ký quyền sử dụng mã số, mã vạch; tiếp nhận và công bố gần 300 hồ sơ hợp chuẩn, hợp quy; thẩm định công nghệ đối với 5 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xử lý nước thải; thẩm định gần 2 nghìn sáng kiến mới. Về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, lũy kế đến hết tháng 3/2023 tỉnh đã có 2.357 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 1.012 văn bằng đã được cấp. Các sáng chế, giải pháp hữu ích là các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp, được áp dụng tại các doanh nghiệp, góp phần tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường.
Trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ngành KH&CN tỉnh Đồng Nai đã đồng hành cùng các nhà khoa học trong việc nghiên cứu nhiều giải pháp, sản phẩm góp phần phòng chống dịch bệnh như: chế tạo thành công máy tự động đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn, máy ATM gạo, buồng khử khuẩn, các phần mềm họp trực tuyến phục vụ điều hành trong thời gian giãn cách xã hội… Ngay khi cả nước trở lại hoạt động bình thường sau giãn cách xã hội, ngành KH&CN tỉnh đã bắt nhịp ngay với những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua hàng loạt các sự kiện ý nghĩa. Qua đó góp phần đưa Đồng Nai trở thành một thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia. Đến nay, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đã có sự hoàn thiện về mặt cơ chế chính sách và đang phát triển với nhiều hoạt động kết nối cho hệ sinh thái như: hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ các hoạt động truyền thông, hỗ trợ đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kết nối chuyên gia… Trong năm 2021 và 2022, cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai do sở KH&CN tổ chức đã nhận được 57 hồ sơ đăng ký dự thi.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tham quan gian hàng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Techfest Đồng Nai 2022.
Có thể nói, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang ngày càng phát triển lan rộng và trở thành mối quan tâm chung của nhiều đơn vị, tổ chức trong tỉnh. Nhiều đơn vị đã tham gia phát triển cơ sở vật chất và kỹ thuật để hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào hoạt động phòng trưng bày sản phẩm và giới thiệu quy trình sản xuất trên diện tích 200 m2. Khu dịch vụ khởi nghiệp tại Trường Đại học Lạc Hồng đã hình thành với 3 khu làm việc chung (không gian làm việc chung, phòng thí nghiệm B304 và không gian thiết kế). Nhiều chương trình đào tạo và tập huấn về kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp dành cho sinh viên và giảng viên đã được các trường đại học trên địa bàn tỉnh triển khai, tiêu biểu là sự ra đời của 3 câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường đại học: Lạc Hồng, Công nghệ miền Đông và Đồng Nai.
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa của thành công
Xác định KH&CN là then chốt, đổi mới sáng tạo là chủ lực, trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, ngành KH&CN tỉnh Đồng Nai đề ra định hướng phát triển tập trung vào một số vấn đề như: đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương; đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực, từ đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Mặt khác, sở KH&CN tỉnh Đồng Nai cũng chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của ngành để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, tập trung vào các hoạt động đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN, chú trọng hỗ trợ hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội tổng hợp và phát triển bền vững. Theo mục tiêu chung của ngành KH&CN, đến năm 2030, Đồng Nai sẽ trở thành một trong những trung tâm KH&CN lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đạt trình độ tiên tiến của khu vực trên một số lĩnh vực, đồng thời phát triển tiềm lực KH&CN đáp ứng các yêu cầu của một tỉnh công nghiệp hiện đại, thông minh, đồng bộ, phát triển về mọi mặt. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực, tác động vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng công nghiệp công nghệ cao, logistic, du lịch và thương mại để Đồng Nai trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Hội nghị “Tổng kết hoạt động KH&CN năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023” của sở KH&CN Đồng Nai.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025: “Phát triển kinh tế bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ KH&CN, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, phát huy phong trào khởi nghiệp sáng tạo, tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, ngành KH&CN Đồng Nai đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án mà tỉnh giao nhằm thực hiện thành công mục tiêu phát triển công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông sản; ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở hình thành các khu (tổ hợp) công - nông nghiệp - dịch vụ ở các khu vực có điều kiện thuận lợi. Hoạt động đổi mới cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh. Trong đó, đặc biệt chú trọng vào hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong việc thực hiện các nhiệm vụ thuộc chương trình quốc gia; tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử; phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN; thông tin, thống kê KH&CN; phát triển KH&CN cấp cơ sở; phát triển hạ tầng KH&CN đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đẩy mạnh các thành tố của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về liên kết, chuyển giao tại các địa phương để đáp ứng nhiệm vụ đổi mới sáng tạo và góp phần phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra. Cùng với đó là tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN để thu hút, động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội.
Có thể thấy, trong những năm qua, hoạt động KH&CN của tỉnh Đồng Nai đã góp phần khẳng định KH&CN là mũi nhọn đột phá cho sự đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều kết quả nghiên cứu, tiến bộ KH&CN được ứng dụng rộng rãi đã đóng góp thiết thực đối với sự phát triển của tỉnh. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đã đề từ nay cho đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, ngành KH&CN Đồng Nai mong muốn nhận được sự chung tay góp sức của các nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạo nên sức mạnh tập thể đầy sức sống, sẵn sàng chủ động đón nhận, nắm bắt và phát huy cơ hội, vận hội mới trong thời gian tới.