Chủ động tiếp cận nguồn dược liệu quý
Cà Mau là vùng bán đảo thấp, có nhiều sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và đang phải đối mặt hiện tượng xói lở ở cả 2 phía biển Đông và Tây. Hiện nay, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã có sự chuyển đổi linh hoạt để thích nghi với các diễn biến bất thường của biến đổi khí hậu cũng như tình trạng sạt lở và xâm nhập mặn. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có ứng dụng thành tựu của khoa học và công nghệ đã được triển khai trên địa bàn và mang lại hiệu quả thiết thực. Để chủ động sản xuất thích ứng với biến động của điều kiện tự nhiên và nhu cầu của thị trường, những năm gần đây, việc tiếp nhận thành tựu của KH&CN vào sản xuất các sản phẩm dược liệu có giá trị kinh tế cao đã được tỉnh đặc biệt quan tâm, trong đó có sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo.
Mặc dù đã phát hiện được hơn 400 loài nấm Đông trùng hạ thảo thuộc chi Cordyceps nhưng chỉ có 2 loài được chú trọng nghiên cứu nhiều nhất là Cordyceps sinensis và Cordyceps militaris do có giá trị dược liệu cao. Ngoài tự nhiên, nấm Đông trùng hạ thảo thường được tìm thấy vào mùa hè, trong đó nấm Cordyceps sinensis phân bố chủ yếu ở các vùng núi cao ở Tây Tạng (Trung Quốc) và một số vùng thuộc Nepan và Butan. Trong khi đó, nấm Cordyceps militaris được tìm thấy ở vùng núi thấp hơn tại các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nấm Cordyceps sinensis mới chỉ được nuôi trồng thành công trong điều kiện tự nhiên nên sản lượng rất ít và không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris chứa rất nhiều hoạt chất quý, được sử dụng nhiều trong y học cổ truyền, giúp điều trị và bồi bổ cho các hệ thống miễn dịch, tiêu hoá, tuần hoàn, thần kinh, hô hấp và hệ sinh dục của cơ thể con người. Do có giá trị dược liệu cao, nấm Đông trùng hạ thảo ngoài tự nhiên đang bị khai thác quá mức làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu, dẫn đến việc nâng giá thành sản phẩm. Do bí mật về công nghệ mà đến nay có rất ít tài liệu về nuôi trồng nấm Cordyceps militaris được công bố. Việc nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ nuôi trồng nấm Cordyceps militaris trong điều kiện nhân tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân là rất cần thiết.
Để góp phần nâng cao năng suất và tạo ra sản phẩm mới của địa phương, tiến tới làm chủ công nghệ trồng nấm đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris trong điều kiện nhân tạo, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Sở KH&CN Cà Mau đã tiến hành thực hiện dự án: “Chuyển giao công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo làm nguyên dược liệu để sản xuất các loại sản phẩm có ích cho người tiêu dùng” nhằm đáp ứng nhu cầu trong tỉnh, hướng tới xuất khẩu.
Quy trình cấy giống từ ống nghiệm vào nước dừa.
Làm chủ công nghệ sản xuất nấm Cordyceps militaris
Sau 16 tháng triển khai (từ tháng 2/2022 đến 5/2023), các cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiếp nhận và làm chủ công nghệ sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris (một loại nấm có nhiều dược tính quý, ít được công bố), góp phần đa dạng hoá đối tượng nuôi, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, mở ra hướng đi mới cho phát triển ngành nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Tiếp nhận và làm chủ quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo
Thực hiện dự án nêu trên, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng đã ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ với Hợp tác xã Nông nghiệp và Ứng dụng Công nghệ cao Giọt Phù Sa để tiếp nhận quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo bằng phương pháp cấy trong phòng thí nghiệm và nuôi trong môi trường lạnh. Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa đã cử các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật có nhiều kinh nghiệm trực tiếp tổ chức tập huấn, hướng dẫn các quy trình kỹ thuật chuyển giao. Để đảm bảo các điều kiện về nhân lực triển khai dự án, 2 cán bộ của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (trong đó có chủ nhiệm dự án cùng 1 kỹ sư công nghệ sinh học) đã trực tiếp tham dự khóa đào tạo, tập huấn về quy trình quản lý, quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo bằng phương pháp cấy trong phòng thí nghiệm và nuôi trong môi trường lạnh. Việc đào tạo, tập huấn được hướng dẫn thực hiện từ lý thuyết, kết hợp với nghiên cứu tài liệu kỹ thuật, đến thực hành thực tế từ khâu chọn giống và các công đoạn trong phòng thí nghiệm đến các khâu nuôi trong môi trường lạnh. Sau khi kết thúc khóa đào tạo, các cán bộ đã nắm vững và làm chủ được quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Bên cạnh đó, 2 cán bộ đã đủ khả năng tập huấn chuyển giao, nhân giống cho các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trong tỉnh.
Sản xuất nấm Đông trùng hạ thảo bằng phương pháp cấy trong phòng thí nghiệm và nuôi trong môi trường lạnh
Dự án đã sản xuất thử nghiệm 1.000 tổ nấm, trong đó đã thu hoạch được 844 tổ nấm Đông trùng hạ thảo thương phẩm, trọng lượng trung bình khoảng 129,1 g/tổ. Phân tích dược chất của nấm Đông trùng hạ thảo như hàm lượng Cordycepin, Adenosine, tổng số vi khuẩn hiếu khí, Coliforms, E.coli, Staphylococcus aureus, Clostridium perfringens, Pseudomonas aeruginosa, nấm men, nấm mốc đều đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu.
Xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo
Trong quá trình thực hiện dự án, chủ nhiệm và cán bộ tham gia dự án đã phối hợp với đơn vị chuyển giao công nghệ tiến hành theo dõi, ghi chép, thống kê và phân tích kết quả của từng công đoạn trong quy trình công nghệ được áp dụng; đồng thời đúc kết, biên soạn, hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo bằng phương pháp cấy trong phòng thí nghiệm và nuôi trong môi trường lạnh. Quy trình công nghệ này đã được áp dụng vào thực tế sản xuất thành công và được xem là bộ tài liệu dùng chung để phục vụ công tác nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo trên địa bàn tỉnh Cà Mau.
Hiệu quả mang lại
Dự án đã sản xuất được 844 tổ nấm Đông trùng hạ thảo thuộc giống Cordyceps militaris. Giống này đã được Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nuôi trồng thành công và chuyển giao cho người dân sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris do Trung tâm sản xuất đã được kiểm nghiệm chất lượng phù hợp với quy định của Bộ Y tế, trong đó hàm lượng dược chất có tiềm năng ứng dụng lớn trong ̣việc điều trị bệnh trong y học hiện đại và cổ truyền là Adenosine và Cordycepin. Với cơ sở vật chất hiện có, dự kiến mỗi năm Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lượng Chất lượng có thể sản xuất và cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh ít nhất 2.000 tổ nấm, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, với doanh thu trung bình khoảng hai trăm triệu đồng/năm.
Dự án đã góp phần tạo ra sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao của địa phương, giúp đa dạng hóa ngành nghề sản xuất nông nghiệp cho người dân. Đặc biệt, dự án này còn là điểm tham quan và học tập kinh nghiệm cho các sinh viên và học sinh trên địa bàn, giúp cho các em có cái nhìn mới về việc ứng dụng KH&CN trong việc nuôi trồng các sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phục vụ thiết thực cho định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau.
Hiện nay, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Giọt Phù Sa sản xuất và đưa ra thị trường nhiều sản phẩm từ nấm Đông trùng hạ thảo, trong đó có sản phẩm Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đã đạt sản phẩm OCOP hạng 4 sao. Để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tăng cường công tác quảng bá sản phẩm gắn với ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sẩn xuất và chế biến sâu sản phẩm, giúp đa dạng các sản phẩm nấm với chất lượng cao, tiện dụng, đáp ứng nhu cầu người sử dụng.