Thứ năm, 13/07/2023 16:09

Giảm thiểu rủi ro thiên tai bằng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

TS Lê Xuân Sinh1, ThS Nguyễn Văn Bách1, KS Bùi Thị Minh Hiền1, TS Đinh Văn Huy2

1Viện Tài nguyên và Môi trường biển (VAST)

2Viện Nghiên cứu Môi trường biển xanh (Gmeri)

 

Để giảm thiểu rủi ro và các tác động tiêu cực của thiên tai, hiện nay các nhà khoa học đã tìm kiếm nhiều giải pháp bền vững, trong đó mô hình kinh tế xanh đã được đưa ra như một giải pháp vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Viện Tài nguyên và Môi trường biển đã đề xuất và được UBND TP Hải Phòng phê duyệt thực hiện đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển của TP Hải Phòng”. Mô hình của nhóm nghiên cứu đặt chú trọng vào sự cân bằng giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, từ đó giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai.

Mô hình kinh tế xanh cho huyện đảo Bạch Long Vĩ

Theo nghiên cứu về mô hình kinh tế xanh phù hợp cho các xã đảo dựa trên định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc - UNEP (2011) và các phương pháp tiếp cận dựa trên quan điểm bảo vệ an ninh, chủ quyền lãnh thổ; tiếp cận hệ thống và liên ngành; bảo vệ môi trường, mô hình kinh tế xanh cho các xã đảo được định nghĩa là: “Mô hình kinh tế có quy mô phù hợp cho đơn vị hành chính xã đảo với cơ cấu kinh tế phù hợp để nâng cao đời sống, cải thiện công bằng xã hội, tăng gắn kết người dân với đảo, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những suy giảm sinh thái của xã đảo”. Đầu ra của mô hình kinh tế xanh hướng đến bao gồm: i) đảm bảo được thu nhập người dân tăng tiệm cận mức trung bình quốc gia; ii) đảm bảo tính liên kết, cạnh tranh và gắn kết doanh nghiệp; iii) gắn các giải pháp bảo tồn các vốn tự nhiên và các giải pháp bảo vệ môi trường; iv) được đánh giá theo bộ tiêu chí để đạt được mức kinh tế xanh và duy trì.

Bằng việc áp dụng công cụ phân tích SWOT, nhóm nghiên cứu đã phân tích, đánh giá thực trạng những điểm mạnh, điểm yếu và cơ hội trong việc xây dựng mô hình kinh tế xanh trên huyện đảo Bạch Long Vĩ. Qua đó nhận thấy, 3 hoạt động kinh tế gồm: dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch trải nghiệm và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao chính là mô hình kinh tế xanh đảm bảo cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội - môi trường. Để đánh giá chính xác các hoạt động kinh tế trên, nhóm nghiên cứu đã so sánh tính điểm dựa trên bộ tiêu chí xanh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đặt ra.

Hình 1. Sơ đồ mô hình kinh tế xanh cho huyện đảo Bạch Long Vĩ.

Hình 2. Điểm chỉ số các hoạt động kinh tế dựa trên bộ tiêu chí xanh của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thứ nhất, dịch vụ hậu cần nghề cá: hoạt động hậu cần nghề cá hướng đến việc cung cấp đầy đủ các dịch hậu cần nghề cá cần thiết và áp dụng những giải pháp tối ưu nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh và sức khỏe cho thuyền viên. Ngoài cơ sở hạ tầng phục vụ tàu neo đậu, cung cấp nguyên nhiên liệu thì với diện tích phân bố là 12,43 ha, nhóm nghiên cứu đã đề xuất cung cấp không gian ăn uống, vệ sinh, nghỉ ngơi và khám/chữa, phục hồi sức khỏe cho thuyền viên. Bên cạnh đó, giải quyết các vấn đề xả chất thải vào trong 2 âu tàu, đảm bảo môi trường cảnh quan và an toàn lao động là bài toán cần giải quyết trước mắt. So sánh với bộ tiêu chí xanh đánh giá, hoạt động hậu cần nghề cá tại huyện đảo Bạch Long Vĩ đạt 110 điểm, đang ở mức hoạt động kinh tế đang theo định hướng phát triển kinh tế xanh.

Thứ hai, du lịch trải nghiệm: với lợi thế là nguồn vốn tự nhiên (bãi triều đá, hệ sinh thái biển...) cùng các điểm thăm quan như chùa Bạch Long Tự, Ngọn hải đăng đảo Bạch Long Vĩ…- là điểm thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, nhóm nghiên cứu khuyến nghị tăng cường số lượng và chất lượng các phòng lưu trú cho khách du lịch bằng các mô hình nhà lắp ghép di động và đầu tư nâng cấp các phòng hiện có… nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách trong tương lai. Dịch vụ du lịch trải nghiệm tại đảo Bạch Long Vĩ đóng vai quan trọng để phát triển kinh tế địa phương và giúp nâng cao đời sống của người dân địa phương. Đối chiếu với bộ tiêu chí xanh đánh giá, hoạt động du lịch trải nghiệm đạt 110 điểm, ở mức hoạt động kinh tế đang theo định hướng phát triển kinh tế xanh.

Thứ ba, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao: đối với hoạt động nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, nhóm chuyên gia xác định được 2 loại hình khả thi đối với huyện đảo Bạch Long Vĩ, đáp ứng các tiêu chí công nghệ cao là nuôi vươn khơi như hình thức nuôi cá ngừ đại dương và hoạt động nuôi trên bờ với công nghệ tuần hoàn nước. Các hoạt động trên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho huyện đảo trong bối cảnh hoạt động khai thác thủy sản đang giảm dần do suy giảm nguồn lợi trong những năm gần đây. So sánh với bộ tiêu chí đánh giá, hoạt động dịch vụ nuôi trồng thủy sản công nghệ cao tại huyện đảo Bạch Long Vĩ hiện đạt 75 điểm, ở mức hoạt động kinh tế đang theo định hướng phát triển kinh tế xanh.

Đề xuất mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ

Đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo Bạch Long Vĩ theo định hướng phát triển của thành phố Hải Phòng” đã đề xuất mô hình kinh tế xanh, tập trung phát triển 3 hoạt động kinh tế (dịch vụ hậu cần nghề cá, du lịch trải nghiệm và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao) nhằm đưa đảo Bạch Long Vĩ trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và phát triển du lịch trải nghiệm.

Một là, dịch vụ hậu cần nghề cá: để trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, Hải Phòng cần nâng cấp và vận hành 2 âu cảng (âu cảng cũ Tây Nam và âu cảng mới Tây Bắc) để là nơi tránh trú an toàn và cung cấp các dịch vụ cần thiết. Trong thời gian tới đây, các dịch vụ liên quan đến hậu cần nghề cá như cung cấp xăng dầu, nước ngọt, thu mua, sơ chế hải sản… cần được thúc đẩy phát triển nhằm khai thác tối đa khả năng đáp ứng các tàu khai thác tại khu vực huyện đảo Bạch Long Vĩ nói riêng và vùng biển Vịnh Bắc Bộ nói chung. Đồng thời, bổ sung các giải pháp như kỹ thuật nạo vét, phao ngăn tránh va đập cho các tàu khi cùng neo đậu trong điều kiện thời tiết xấu; phát triển trung tâm cứu nạn và tìm kiếm quốc gia tại huyện đảo Bạch Long Vĩ để sẵn sàng ứng phó với tình huống tìm kiếm - cứu nạn - ứng phó sự cố dầu tràn.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực hiện các giải pháp xanh để đảm bảo môi trường của âu tàu khi các tàu vào tránh trú gió mùa như phân loại rác thải, thu gom và mang lên bờ để xử lý. Nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra giải pháp nạo vét bằng kỹ thuật khoan sâu nhằm tăng độ sâu của các âu tàu, giúp cho các tàu lớn trên 500 HP có thể neo đậu và tăng lượng chứa tàu thuyền có thể đạt 1.000 thuyền trong tương lai.

Hai là, phát triển du lịch trải nghiệm: tăng cường quản lý các giá trị thương hiệu cho đảo Bạch Long Vĩ như giá trị về địa chất, văn hóa biển đảo, đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế xanh tại huyện đảo (đặc biệt là mô hình du lịch). Phát huy giá trị du lịch của bãi đá như một trong những danh lam thắng cảnh tại Việt Nam, xây dựng khu trưng bày các bức tranh đá để khách du lịch thăm quan và chiêm ngưỡng. Đặc biệt, giai đoạn 2023-2025, đưa các tàu chở khách đang có như Hoa Phượng Đỏ, Bạch Long Vĩ vào khai thác tối đa nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch (đặc biệt trong đợt cao điểm của mùa du lịch). Bên cạnh đó, để đáp ứng lượng khách du lịch tăng cao trong các dịp nghỉ lễ, nhóm nghiên cứu đã xây dựng thành công mô hình nhà lắp ghép giá rẻ nhằm phục vụ chỗ ăn, nghỉ cho các đoàn khách. Nhóm nghiên cứu cũng tuyền truyền giải pháp xanh trong du lịch bằng biển hiệu, băng rôn với mục tiêu khách du lịch sẽ mang rác về đất liền nhằm giảm áp lực môi trường đến công tác quản lý chất thải rắn tại huyện đảo.

Ba là, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao: do đặc trưng của thời tiết khu vực biển động, xung quanh không có che chắn nên nhóm nghiên cứu đề xuất 2 giải pháp phát triển thủy sản công nghệ hiện đại bao gồm: i) nuôi thủy sản trên bờ với công nghệ nước tuần hoàn để kiểm soát dịch bệnh, không đưa chất thải ra môi trường xung quanh, mô hình này phù hợp với quy mô và diện tích cho các hộ nuôi trồng nhỏ trên huyện đảo; ii) nuôi vươn khơi như hình thức nuôi cá hồi đại đương trong lồng bè HDPE, với vật liệu HDPE, mô hình này chịu được thời tiết bão cấp 12-13, phù hợp điều kiện tự nhiên hiện nay trên đảo Bạch Long Vĩ. Các giải pháp này hướng đến hoạt động kinh tế bền vững, tạo sinh kế mới cho người dân huyện đảo.

Có thể khẳng định, giảm thiểu rủi ro thiên tai bằng mô hình kinh tế xanh là một trong những giải pháp quan trọng để giảm thiểu tác động của các thiên tai đối với môi trường, kinh tế và người dân. Mô hình kinh tế xanh nhắm đến việc sử dụng tài nguyên và năng lượng một cách bền vững, hạn chế ô nhiễm và tác động đến môi trường, đồng thời tăng cường sức chịu đựng của các cộng đồng trong các tình huống khẩn cấp. Việc xây dựng mô hình kinh tế xanh trên huyện đảo Bạch Long Vĩ không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai mà còn đem lại lợi ích cho sự phát triển bền vững của đất nước.

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)