Thực trạng năng suất tỉnh Quảng Ninh
Quảng Ninh là tỉnh ven biển thuộc vùng Đông Bắc Bộ Việt Nam. Theo quy hoạch phát triển kinh tế, nơi này vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía bắc, vừa thuộc vùng duyên hải Bắc Bộ. Quảng Ninh có lợi thế, tiềm năng phát triển kinh tế trong các ngành mũi nhọn như nhiệt điện, khoáng sản, du lịch, dịch vụ… Đồng thời hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội phục vụ tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện Chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa giai đoạn 2016-2020, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: i) 100% các doanh nghiệp chủ lực trên địa bàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm, hàng hóa đã thực hiện Đề án nâng cao năng suất và chất lượng của tỉnh; ii) xây dựng thành công 15 mô hình doanh nghiệp và dịch vụ điểm, ứng dụng hệ thống quản lý tiên tiến, góp phần thúc đẩy năng suất và trình độ quản lý, trở thành mô hình kinh doanh kiểu mẫu để các doanh nghiệp khác học hỏi; iii) hơn 600 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh được hỗ trợ về kinh phí và tư vấn áp dụng các công cụ, hệ thống quản lý tiên tiến; iv) mỗi năm số lượng doanh nghiệp sản xuất sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của tỉnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tăng 10%; v) 70% các doanh nghiệp của tỉnh được phổ biến, tuyên truyền kiến thức về hệ thống quản lý, mô hình cải tiến năng suất và chất lượng.
Nhờ đó, hai năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, song các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn luôn chủ động tìm cách thức hoạt động phù hợp, ứng dụng hệ thống quản lý năng suất chất lượng cơ bản như ISO 22000, ISO 9000, 5S… nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ứng phó an toàn với dịch bệnh, từng bước vượt qua khó khăn. Cụ thể: năm 2021, Quảng Ninh có năng suất đạt 350,8 triệu đồng/lao động, cao gấp 2 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Năm 2022, năng suất lao động của tỉnh ước tính đạt được tới 406,6 triệu đồng/lao động, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh đạt trên 10%, thu ngân sách nhà nước đạt trên 55.000 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, các hoạt động thúc đẩy, cải tiến năng suất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, hành lang pháp lý, cơ chế và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chưa đồng bộ; các doanh nghiệp sản xuất còn khó khăn về giải tỏa mặt bằng; các khu công nghiệp được lấp đầy nhưng chưa được nhà đầu tư vận hành sản xuất; các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vay vốn; chính sách thuế vẫn còn bất cập, chưa khuyến khích được doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với sự tham gia của các thành phần trong xã hội chưa hình thành; các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, người lao động… chưa liên kết chặt chẽ để có thể góp phần thúc đẩy năng suất quốc gia.
Thứ hai, các doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế về tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến do năng lực hấp thụ công nghệ yếu. Năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Vì vậy, doanh nghiệp vẫn rất cần những hỗ trợ của nhà nước trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất, nhất là các hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thông tin khoa học và công nghệ.
Thứ ba, chuyển đổi số là một trong các giải pháp chính để cải thiện năng suất cho doanh nghiệp, nhưng phần lớn doanh nghiệp vẫn e ngại chuyển đổi số, do khó khăn về tài chính và thiếu am hiểu về công nghệ. Trong khi đó, những nền tảng chuyển đổi số do các cơ quan chức năng đang triển khai chỉ mới tập trung vào quản trị văn phòng mà chưa tính đến hoạt động sản xuất, dây chuyền công nghệ.
Đề xuất giải pháp
Để thực hiện mục tiêu tăng năng suất và áp dụng thành công chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đồng thời hướng đến mục tiêu năm 2030 tăng năng suất lao động bình quân trên địa bàn tỉnh đạt 8%/năm; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp trên 50% vào tăng GRDP của tỉnh; tối thiểu 50 doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ thực hiện các giải pháp về cải tiến năng suất; các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được nâng cao; 20 đơn vị sự nghiệp xây dựng thành công mô hình điểm về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất; 2 tổng công ty/doanh nghiệp lớn trên địa bàn tham gia xây dựng kế hoạch nâng cao năng suất; 2 trường đại học/cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia bồi dưỡng về năng suất, đào tạo được 20 chuyên gia năng suất đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế…, Quảng Ninh cần thực hiện các giải pháp quan trọng, bao gồm:
Một là, nghiên cứu xây dựng, triển khai các chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo nền tảng về chính sách tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất, các giải pháp cần tập trung vào: phối hợp triển khai bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất, các hoạt động cải tiến năng suất, chia sẻ thông tin, dữ liệu về năng suất phục vụ doanh nghiệp; triển khai các hoạt động đánh giá năng lực quản trị, quản lý năng suất, chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp; nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất lao động tỉnh Quảng Ninh (ảnh: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh).
Hai là, xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu, tư vấn, xây dựng mô hình điểm về cải tiến năng suất, để tránh việc xây dựng những chương trình hỗ trợ dàn trải, thiếu tập trung và không đúng với nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, đánh giá các yếu tố tác động nâng cao năng suất cũng như đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế; nghiên cứu các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới để áp dụng phù hợp cho các doanh nghiệp, tổ chức ở các quy mô khác nhau trên địa bàn tỉnh; lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức làm mô hình mẫu triển khai áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất tiên tiến (ISO 56000, ISO 9001, 5S, Kaizen).
Ba là, phát triển nguồn nhân lực cho hoạt động cải tiến năng suất. Bên cạnh các chương trình hỗ trợ trực tiếp đối với các doanh nghiệp, việc tạo cơ sở nền tảng về nguồn nhân lực sẽ giúp doanh nghiệp chủ động trong các hoạt động đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất. Do đó, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cần tập trung vào các đối tượng là người lao động trong doanh nghiệp, các chuyên gia tư vấn, lực lượng lao động tiềm năng. Các nội dung đào tạo cần hướng đến: bồi dưỡng kiến thức về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, khu công nghiệp; các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tăng cường hoạt động kết nối, phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ cải tiến năng suất, tổ chức các hoạt động hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực cụ thể.
Thúc đẩy hoạt động truyền thông góp phần tăng cường ý thức của người lao động về việc tăng năng suất.
Bốn là, tăng cường các hoạt động truyền thông về năng suất, nhằm hướng tới mục đích tạo nền tảng cải tiến năng suất và nhận thức về cải tiến năng suất trong cộng đồng. Hoạt động truyền thông thiết thực nhất vẫn là chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và các bài học thành công. Vì vậy, cần có các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình, doanh nghiệp điểm áp dụng các hệ thống, công cụ nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất, chương trình đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất.
Có thể khẳng định, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cũng như nền kinh tế cả nước nói chung. Do vậy, trong bối cảnh hiện nay, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chính là nền tảng quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và phát triển bền vững.