Thứ sáu, 30/06/2023 22:50

Vĩnh Phúc: Phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao giá trị sản phẩm, hàng hóa

Nguyễn Thị Thu Huyên

Sở Khoa học và Công nghệ Vĩnh Phúc

Công tác hướng dẫn xác lập và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng, giúp các tổ chức, cá nhân và địa phương phát huy được lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa. Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Vĩnh Phúc đã đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp thực hiện tốt vai trò quản lý nhà nước về phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

Tạo dựng thương hiệu

Để triển khai thực hiện Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/08/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược SHTT đến năm 2030 và Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Sở KH&CN Vĩnh Phúc đã tham mưu với UBND tỉnh trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 13/05/2021 về việc thực hiện Chiến lược SHTT và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ: tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT; thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền SHTT; phát triển, nâng cao năng lực các tổ chức trung gian và chủ thể quyền SHTT; hình thành, tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội. Mục tiêu của kế hoạch là đến năm 2025, tối thiểu 40% sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh được công nhận là sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù. Sản phẩm gắn với chương trình OCOP sẽ được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý; sau khi được bảo hộ, sản phẩm sẽ được hỗ trợ kiểm soát nguồn gốc và chất lượng.

Trà hoa vàng Tam Đảo - sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh, đã được Sở KH&CN Vĩnh Phúc đăng ký và được cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Các hoạt động tuyên truyền nhằm thúc đẩy việc sử dụng, phát triển tài sản trí tuệ được thực hiện thường xuyên thông qua các lớp tập huấn và hàng loạt các bài viết trên báo, trang thông tin điện tử của ngành, các phóng sự truyền hình nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cụ thể về việc triển khai các nội dung thuộc Chiến lược và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ.

Bước đầu, các dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã phát huy được hiệu quả, đặc biệt là hỗ trợ phát triển thương hiệu đặc sản địa phương, các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu cũng được chú trọng đầu tư đúng mức, góp phần tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Một số nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh đã xây dựng được lòng tin, thương hiệu uy tín trong nước như: tương Khả Do, ba kích Tam Đảo, bánh hòn Hương Canh, bưởi Vĩnh Tường, na dai Bồ Lý, bánh tẻ Tứ Yên, sữa bò Tam Đảo, gạo ngon Phú Xuân, bánh chưng Tây Thiên, nấm Tam Đảo, dưa chuột Ngọc Thạch… hay đã được xuất khẩu ra nước ngoài: thanh long ruột đỏ Lập Thạch, trà hoa vàng Tam Đảo…

Tính đến thời điểm cuối năm 2022, Vĩnh Phúc đã có 5 bằng độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, 138 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và 1.731 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Thông qua việc hỗ trợ bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng, hoạt động SHTT đã trực tiếp góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của địa phương, giúp người nông dân và các hộ kinh doanh chuyển đổi từ mô hình sản xuất đơn lẻ sang sản xuất tập trung, từ sản phẩm thô sang sản phẩm có bao bì và tem nhãn, từ sản xuất, phát triển sản phẩm tự do thành sản xuất kinh doanh có quy mô, được kiểm soát về nguồn gốc và chất lượng. Bên cạnh đó, việc bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc thù địa phương còn góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa dân tộc, tri thức truyền thống, phát huy và tôn vinh giá trị sản phẩm được sản xuất theo quy trình bản địa.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa không chỉ thúc đẩy quảng bá thương hiệu, tạo sự tin tưởng trong quan hệ với khách hàng mà còn là căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi của chủ nhãn hiệu trước những hành vi sử dụng trái phép. Có thể khẳng định, nhiều sản phẩm chủ lực của Vĩnh Phúc sau khi được bảo hộ SHTT đã được người tiêu dùng biết đến rộng rãi, uy tín sản phẩm được nâng cao, góp phần mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Rào cản và giải pháp cần tháo gỡ

Tuy vậy, công tác quản lý, phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Công tác hướng dẫn, hỗ trợ, khuyến khích, thực hiện đăng ký nhãn hiệu hàng hóa của tỉnh chưa nhiều, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, sản phẩm đặc trưng chủ lực của địa phương. Việc khai thác thị trường thông qua chỉ dẫn địa lý trong và nước ngoài còn hạn chế, gần như mới chỉ dừng lại ở việc công nhận tên gọi được định danh trên thị trường, chưa có quy chế bảo hộ địa lý và truy xuất nguồn gốc sản xuất. Việc khai thác và giám sát sử dụng chỉ dẫn địa lý còn chưa chặt chẽ khiến tình trạng giả, nhái các chỉ dẫn địa lý vẫn còn tồn tại, do vậy nhiều sản phẩm chưa được khẳng định đúng vị thế và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Để công tác hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận, chỉ dẫn địa lý đạt hiệu quả hơn nữa, các doanh nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh cần nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của bảo hộ nhãn hiệu. Sau khi sản phẩm được bảo hộ, cũng cần chú trọng công tác xúc tiến, quản lý sản phẩm, thực hiện tốt công tác hậu bán hàng…

*

*      *

Công tác chú trọng phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp, người sản xuất kinh doanh về việc xác lập, quản lý và phát triển cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh. Đây cũng là cơ sở để tiến hành quản lý, khai thác thương mại và mở rộng thị trường cho sản phẩm, hỗ trợ nông dân, nhà sản xuất ổn định, gia tăng thu nhập, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)