Những kết quả đạt được
Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng, chuyển giao và nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, góp phần thiết thực trong việc nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất. Cụ thể là:
Đối với ngành nông nghiệp: trong năm 2022, Ninh Thuận đã nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ bao lưới chống ruồi vàng vào sản xuất táo (với 1.983 hộ tham gia trên 63,7% tổng diện tích trồng táo của tỉnh). Mô hình này đã góp phần ngăn chặn ảnh hưởng của các sinh vật gây hại, đặc biệt là ruồi vàng và sâu đục trái, giúp tăng năng suất, sản lượng và nâng cao giá trị sản phẩm táo. Bên cạnh đó, Ninh Thuận tiếp tục hướng dẫn nông dân thực hiện hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên một số cây ăn quả như mãng cầu dai, táo, bưởi da xanh tại Lâm Sơn, Mỹ Sơn (huyện Ninh Sơn) và Phước Vinh (huyện Ninh Phước); hỗ trợ máy gieo hạt phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại Lương Sơn (huyện Ninh Sơn) và Phước Chính (huyện Bác Ái); tổ chức 40 lớp tập huấn với 1.408 lượt người tham gia về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đáp ứng nhu cầu sản suất của người dân. Cuối năm 2022 vừa qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ với Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP Hồ Chí Minh về việc phối hợp thực hiện các chương trình, đề tài nghiên cứu/dự án mà cả hai bên cùng quan tâm; triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng lưới liên kết các chuyên gia, đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp; hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm; quảng bá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái; hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, khởi nghiệp và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Đối với ngành công nghiệp: đến nay trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 3 khu và 2 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích trên 1.830 ha. Trong đó, có 3 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động, gồm: khu công nghiệp Thành Hải, khu công nghiệp Phước Nam và cụm công nghiệp Tháp Chàm, thu hút 43 dự án, tạo việc làm ổn định cho trên 3.500 lao động. Hệ thống cơ sở hạ tầng trong và ngoài khu công nghiệp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, tỉnh có 49 dự án với tổng công suất 3.055,6 MW hòa lưới điện quốc gia, đóng góp lớn cho ngành công nghiệp và tăng trưởng kinh tế của Ninh Thuận. Trong đó, có 11 dự án điện gió với tổng công suất 666,75MW; 32 dự án điện mặt trời công suất 2.256,85 MW và 6 dự án thủy điện công suất 131,95 MW. Các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Ninh Thuận cũng được khuyến khích và hỗ trợ phát triển, nhiều mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch được xây dựng, góp phần bảo tồn nền văn hóa dân tộc như: gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ, dệt chiếu cói An Thạnh, đan mây tre Phước Tiến...; đồng thời, duy trì và phát triển các ngành nghề truyền thống có lợi thế của tỉnh như: nước mắm, rượu nho, thủy sản..., qua đó giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động ở nông thôn.
Đối với các ngành khác: tỉnh Ninh Thuận đã triển khai và ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực giáo dục và y tế nhằm nâng cao hoạt động học tập và giảng dạy, cũng như công tác quản lý khám, chữa bệnh, quản lý hồ sơ bệnh án, đem tới cho người bệnh những dịch vụ tốt nhất, giảm thiểu thời gian làm thủ tục khám, chữa bệnh và thanh toán. Đối với, ngành bưu chính viễn thông, VNPT Ninh Thuận đã thiết lập 116 trạm viễn thông được lắp đặt thiết bị mạng truyền dẫn trung kế nội tỉnh, 1.304 km cáp quang trung kế và trạm thu phát sóng thông tin di động các loại... Ngoài ra, đơn vị còn lắp đặt mới 6 Booster phát sóng ra biển để phục vụ ngư dân.
KH&CN là đòn bẩy đắc lực hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển.
Bên cạnh đó, với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tỉnh Ninh Thuận đã tiến hành hỗ trợ 264 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, xây dựng và thực hiện dự án năng suất chất lượng với các hoạt động như: i) nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; ii) xác lập quyền sở hữu công nghiệp; iii) đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, mã truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; iv) tham gia chợ công nghệ và hoạt động kết nối cung cầu; v) áp dụng công nghệ quản trị doanh nghiệp thông qua các hệ thống quản lý tiên tiến và hướng tới tham gia Giải thưởng Chất lượng quốc gia.
Các doanh nghiệp tại Ninh Thuận nâng cao năng suất chủ yếu dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST
Một số giải pháp đề xuất
Trong thời gian tới, để tiếp tục nâng cao năng suất dựa trên nền tảng KH,CN&ĐMST, tỉnh Ninh Thuận cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần ưu tiên các giải pháp sau:
Một là, liên kết, thu hút để huy động tối đa nguồn lực tổng hợp của mạng lưới các tổ chức KH,CN&ĐMST trong và ngoài tỉnh, kết hợp các cơ quan trung ương tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh; khuyến khích nâng cao năng lực các tổ chức KH,CN&ĐMST thuộc doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và xây dựng, phát triển các tổ chức dịch vụ, trung gian, môi giới trong hoạt động KH&CN; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu; cung cấp thông tin công nghệ.
Hai là, xây dựng các cơ chế, định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với điều kiện của tỉnh, nhằm áp dụng phù hợp, hiệu quả cho quá trình triển khai các nhiệm vụ KH,CN&ĐMST; nghiên cứu các giải pháp, chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo, đây là lực lượng then chốt và nền tảng cho quá trình phát triển. Đồng thời, cần xây dựng các cơ chế, chính sách để đặt hàng nghiên cứu, khuyến khích đẩy mạnh ứng dụng, phát triển KH&CN để thực hiện hiệu quả các chương trình, nhiệm vụ ưu tiên, có tính đặc thù của tỉnh.
Ba là, phối hợp với các tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực để nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao các công nghệ mới mà tỉnh và trong nước chưa có, thông qua con đường viện trợ hoặc thương mại. Đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước để tiếp thu công nghệ, sản xuất các phụ kiện cho hoạt động sản xuất.
Bốn là, sớm thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình về KH,CN&ĐMST. Mô hình quản lý gồm: Trưởng ban là Lãnh đạo UBND tỉnh; Phó Trưởng ban thường trực là Giám đốc Sở KH&CN; các thành viên là lãnh đạo các sở, ban/ngành trên địa bàn như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… để tham mưu, giúp việc cho ban chỉ đạo sớm có những giải pháp đột phá thúc đẩy hoạt động KH,CN&ĐMST trên địa bàn tỉnh.
Năm là, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cấp chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về vai trò của KH,CN&ĐMST trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội theo chiều sâu, huy động sức mạnh của doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển ứng dụng KH,CN&ĐMST.
Có thể khẳng định, KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, môi trường và xã hội của tỉnh Ninh Thuận. Chúng là những yếu tố đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra các giải pháp hiệu quả và khả thi để giải quyết các thách thức đang đặt ra như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, thu nhập không đồng đều… Đồng thời, KH,CN&ĐMST góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả của hoạt động kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực.