Thứ tư, 21/06/2023 10:56

Bến Tre: Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị

Những năm gần đây, Bến Tre đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ  người dân và doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đồng thời chú trọng phát triển tài sản trí tuệ nhằm nâng cao giá trị hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản của tỉnh. Chính vì vậy, UBND tỉnh đã giao Công ty Tư vấn Chất lượng và Đào tạo Tín Việt thực hiện đề tài: “Xây dựng, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre theo chuỗi giá trị” thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 (Chương trình OCOP). Sau 2 năm triển khai (2021-2023), đề tài đã xây dựng được bộ nhận diện nhãn hiệu sản phẩm, bảo hộ kiểu dáng, ứng dụng truy xuất nguồn gốc và chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh… góp phần quan trọng phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Khơi dậy thế mạnh địa phương

Kế thừa những kết quả đã đạt được của Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020, ngày 1/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 919/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Đây là căn cứ quan trọng để nhiều địa phương triển khai các chương trình phát triển kinh tế nông nghiệp, hướng tới mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Là 1 trong 12 tỉnh/thành phố được Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia chỉ đạo thí điểm xây dựng Chương trình OCOP, Bến Tre đã xây dựng và triển khai Đề án Chương trình OCOP Bến Tre, định hướng đến 2030 (Chương trình OCOP Bến Tre) nhằm sớm đạt được mục tiêu đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Với nhiều sản phẩm đặc trưng như: dừa, bưởi, thuỷ - hải sản, thủ công mỹ nghệ..., Bến Tre có nhiều lợi thế để triển khai Chương trình OCOP, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình.

Để thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã có chủ trương phát triển các nhóm ngành hàng có thế mạnh gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn... Đặc biệt, nhiều sở/ban ngành của tỉnh như Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương… đã triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đổi mới công nghệ, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, sản phẩm hàng hóa; tổ chức các hội chợ/hội thảo giới thiệu, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre; hỗ trợ xây dựng chiến lược thương hiệu doanh nghiệp và bộ tiêu chí nhận diện thương hiệu các sản phẩm OCOP…

Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm này trong thời gian qua chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương do chưa có sự đầu tư thoả đáng cho hoạt động kết nối chuỗi giá trị. Việc phát triển thương hiệu đặc sản mới dừng lại ở cục bộ mỗi địa phương, chưa có chiến lược xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và khai thác lâu dài chung cho cả tỉnh. Bên cạnh đó, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, chưa hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có chất lượng sản phẩm đồng đều. Việc áp dụng kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến sản phẩm còn hạn chế. Không những vậy, nhận thức của nhiều chủ thể sản xuất mặc dù đã được cơ quan chức năng tuyên truyền nhưng vẫn chưa thấu hiểu sâu sắc lợi ích của sản phẩm OCOP; nguồn vốn của các chủ thể để đầu tư mở rộng sản xuất còn hạn chế; kỹ năng thiết lập kênh phân phối xúc tiến thương mại của các chủ thể chưa cao; hoạt động mua/bán sản phẩm nông sản còn phụ thuộc rất nhiều vào các thương lái; chưa thiết lập các kênh phân phối sản phẩm và kênh thương mại điện tử… Nhiều cán bộ ở huyện, xã trên địa bàn tỉnh còn chưa hiểu rõ về ý nghĩa của chương trình OCOP; trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ sản xuất còn nhiều hạn chế…

Hướng tiếp cận mới để phát triển các đặc sản

Nhằm phát huy thế mạnh của các đặc sản, truyền thống của địa phương…, năm 2021, Công ty Tư vấn Chất lượng và Đào tạo Tín Việt đã đề xuất và được UBND tỉnh Bến Tre phê duyệt thực hiện đề tài: “Xây dựng, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre theo chuỗi giá trị”. Sau 2 năm triển khai thực hiện (01/2021-01/2023), đề tài đã khảo sát 78 sản phẩm từ 3 sao trở lên (được tỉnh công nhận đến cuối năm 2020), từ đó hoàn thiện nâng cấp lên 4 sao và 5 sao; xây dựng các trường thông tin truy xuất nguồn gốc, đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước; kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc, in ấn tem nhãn, mã số, mã vạch, QR-code cho 95 sản phẩm; hỗ trợ các hộ sản xuất, tổ chức kinh doanh tham gia phiên chợ về lương thực, thực phẩm; thiết lập kênh phân phối ổn định tại chợ đầu mối bán sỉ và siêu thị bán lẻ: Chợ đầu mối Thủ Đức, Chợ đầu mối Bình Điền, Chợ đầu mối Đà Nẵng, Siêu thị Co.op; đưa thông tin quảng bá nông sản OCOP Bến Tre lên website của các trang thương mại điện tử...

Một số sản phẩm OCOP của Bến Tre được quảng bá trên website: tamnongmarket.com.

Cụ thể: đề tài đã tiến hành khảo sát 50 sản phẩm OCOP 4 sao, trong đó lựa chọn ra 16 sản phẩm nâng hạng lên 5 sao và 34 sản phẩm giữ nguyên hạng sao để điều chỉnh phiếu đăng ký sản phẩm, làm rõ phương án sản xuất kinh doanh, bổ sung các minh chứng về nguồn gốc nguyên liệu, hợp đồng phân phối sản phẩm, kế hoạch bảo vệ môi trường; hỗ trợ xây dựng, chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng để nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cấp bộ nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đề tài đã hỗ trợ xây dựng 30 bộ nhận diện nhãn hiệu của 30 cơ sở; hoàn thiện 10 đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho 4 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, đề tài đã tiến hành hướng dẫn các chủ thể sản xuất kinh doanh hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP (tập trung vào các chứng chỉ như ISO 9001:2015, ISO 14000, ISO 22000...), giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm và  xử lý khi có vấn đề phát sinh; nâng cấp và hoàn thiện câu chuyện sản phẩm cho 95 sản phẩm OCOP của tỉnh dựa trên lịch sử hình thành và quy trình sản xuất, qua đó đã phản ánh được nét độc đáo của sản phẩm gắn liền với bản sắc của địa phương và lịch sử hình thành của chính chủ thể tạo ra sản phẩm. Ngoài ra, đề tài đã phối hợp với các chủ thể sản xuất đưa sản phẩm OCOP đạt 5 sao của tỉnh quảng bá, bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử (lazala); quảng bá sản phẩm 4 sao trên website: tamnongmarket.com…

Hội thảo xúc tiến thương mại để quảng bá sản phẩm OCOP Bến Tre.

Có thể khẳng định, các sản phẩm OCOP Bến Tre đã tạo động lực mới trong phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản của tỉnh. Thông qua chương trình OCOP, những hộ sản xuất nhỏ, tổ hợp tác, hợp tác xã không chỉ có điều kiện tiếp cận thị trường, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng, tạo giá trị tăng thêm mà còn hướng đến việc tạo ra các sản phẩm mới. Không những vậy, các sản phẩm OCOP còn góp phần thu hút, phát triển du lịch (thông qua các địa điểm bán sản phẩm OCOP và đặc sản Bến Tre), qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Việc thực hiện thành công đề tài “Xây dựng, quản lý và phát triển sản phẩm OCOP Bến Tre theo chuỗi giá trị” có ý nghĩa quan trọng, giúp tỉnh từng bước giải quyết các vấn đề về giảm nghèo, việc làm, an sinh xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, việc thực hiện thành công đề tài còn giúp phát huy sự đổi mới sáng tạo của người dân, góp phần hình thành mối liên kết giữa các tổ chức, doanh nghiệp để phát triển kinh tế cộng đồng. Ngoài ra, thành công của đề tài còn khẳng định hướng đi đúng đắn và sáng tạo của tỉnh Bến Tre trong việc phát triển các sản phẩm, hàng hóa đạt chứng nhận OCOP theo chuỗi giá trị (các mô hình liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã được hình thành và đang phát triển) góp phần tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

PV

 

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)