Thứ năm, 20/07/2023 15:52

Thiết kế sinh thái và thực hiện nhãn sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ hướng tới nền kinh tế xanh

Đây là chủ đề của hội thảo do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký APEC tổ chức từ ngày 20-21/07/2023 tại Hà Nội. Mục tiêu chính của hội thảo là chia sẻ kinh nghiệm và thông lệ tốt trong việc xây dựng và thực hiện thiết kế sinh thái và nhãn sinh thái cũng như cách vượt qua các rào cản gặp phải trong quá trình thực hiện nhằm thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.

Theo các chuyên gia, nhãn sinh thái là sự khẳng định biểu thị thuộc tính môi trường của sản phẩm hoặc dịch vụ dưới dạng một bản công bố, biểu tượng hoặc biểu đồ trên sản phẩm hoặc nhãn bao gói, trong tài liệu về sản phẩm, tạp chí kỹ thuật, quản cáo hoặc các hình thức khác. Về mặt hình thức, nhãn sinh thái có thể mang tên gọi khác nhau ở từng nước. Tuy nhiên, dù được hiểu theo cách nào đi nữa thì nhãn sinh thái đều cho thấy mức độ giảm thiểu tác động xấu của sản phẩm đến môi trường trong tất cả các giai đoạn hoặc trong một giai đoạn vòng đời sản phẩm, từ lúc khai thác nguyên, nhiên liệu để làm đầu vào cho quá trình sản xuất, đóng gói sử dụng, loại bỏ sản phẩm đó. Nhãn sinh thái chỉ được cấp cho những sản phẩm ít tác động xấu tới môi trường nhất so với các sản phẩm khác có cùng chức năng. Về bản chất, nhãn sinh thái là một thông điệp truyền tải tính ưu việt đối với môi trường của sản phẩm.

Trong những năm gần đây, toàn cầu hóa kinh tế ngày càng phát triển và trở thành xu thế khách quan của sự phát triển kinh tế thế giới. Quá trình toàn cầu hóa đang làm thay đổi mạnh mẽ bộ mặt nền kinh tế thế giới, trong đó có sự thay đổi về thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Bên cạnh nhu cầu ngày càng cao về những sản phẩm hữu dụng nói chung, đặc biệt là tại các nước phát triển, người tiêu dùng còn chú ý đến những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, nhãn sinh thái là một trong các biện pháp nhằm thông tin và giáo dục người tiêu dùng về các lợi thế môi trường của sản phẩm, đồng thời có thể tạo ra các áp lực đòi hỏi và khuyến khích đổi mới dẫn tới việc giảm các tác động môi trường trong sản xuất và tiêu thụ. Liệu nhãn sinh thái có thể đóng góp cho việc giảm thiểu sự căng thẳng về môi trường hay không và giảm được bao nhiêu là việc cần được đặt ra trước khi triển khai chương trình. Các tác động của chương trình cấp nhãn sinh thái còn phụ thuộc rất nhiều vào sự liên quan và tầm quan trọng của các tiêu chí cấp nhãn sinh thái cũng như thị phần của sản phẩm được cấp nhãn sinh thái. Nhãn sinh thái ở một chừng mực nhất định còn được dùng như một hình thức quảng cáo, một công cụ marketing có hiệu quả cho sản phẩm. Trước tình hình trên, nhiều quốc gia, công ty đã thay đổi chiến lược sản xuất, tạo ra những sản phẩm xanh, ít gây độc hại đến môi trường. Cùng với đó là sự ra đời của các tổ chức làm nhiệm vụ xây dựng tiêu chí, giám định và cấp nhãn sinh thái cho những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để quản lý và bảo vệ môi trường, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh các công cụ pháp luật, truyền thông, nhiều quốc gia đã sử dụng các công cụ kinh tế mang tính mềm dẻo hơn, trong đó sử dụng nhãn sinh thái được xem là một biện pháp thuộc nhóm công cụ kinh tế nhằm khuyến khích người tiêu dùng và nhà sản xuất bảo vệ môi trường thông qua việc khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Việc tiếp cận trên nhiều quốc gia đã có những quy định về nhãn sinh thái riêng cho mình và trên thực tế, nhãn sinh thái đã trở thành một trong những công cụ kinh tế quan trọng để quản lý môi trường trong các doanh nghiệp có định hướng sản phẩm góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

Phong Vũ

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)