Thứ tư, 19/07/2023 10:48

Lấy ý kiến hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Vừa qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã tổ chức hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH)”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định nhấn mạnh, qua 15 năm thực hiện của Luật CLSPHH và các văn bản hướng dẫn, CLSPHH ngày càng được nâng cao, sản phẩm, hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ từ trước đến sau khi đưa ra thị trường. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Luật CLSPHH được ban hành đầy đủ. Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành là hành lang pháp lý quan trọng, tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (trong sản xuất, xuất - nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và quá trình sử dụng), cũng như hoạt động tôn vinh, khen thưởng về chất lượng cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) từ cấp địa phương đến Trung ương.

Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra chuyên ngành của các bộ quản lý chuyên ngành còn thể hiện nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của pháp luật về CLSPHH. Việc tách biệt giữa hoạt động kiểm tra nhà nước về CLSPHH với hoạt động dịch vụ kỹ thuật - hoạt động đánh giá sự phù hợp (thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm định chất lượng, công nhận) chưa thực sự minh bạch dẫn đến sự chồng chéo, vướng mắc và tạo rào cản trong xuất - nhập khẩu hàng hóa, không tận dụng được tối đa nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước. Đồng thời GTCLQG mặc dù là hoạt động giải thưởng duy nhất quy định ở cấp Nghị định và do Thủ tướng Chính phủ trao tặng, tuy nhiên chưa thực sự lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng doanh nghiệp, chưa phát huy được giá trị của Giải thưởng. Hoạt động mã số, mã vạch chưa phát huy tối ưu giá trị, chưa đẩy mạnh việc khai thác dữ liệu mã số, mã vạch, ứng dụng các công cụ, giải pháp triển khai mã số mã vạch cho doanh nghiệp.

Tai hội thảo, báo cáo tổng kết thi hành Luật CLSPHH, Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn hợp quy Nghiêm Thanh Hải cho biết, đối với cơ quan quản lý nhà nước, Luật CLSPHH giúp cho hoạt động quản lý chất lượng đi vào nề nếp, có sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, Luật CLSPHH đã phân công trách nhiệm quản lý chất lượng của bộ, ngành; quản lý SPHH nhóm 2 bằng quy chuẩn Việt Nam, giúp quản lý thống nhất, bảo đảm sức khoẻ, vệ sinh, môi trường; quản lý hoạt động đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH): đăng ký, chỉ định; tách bạch giữa hoạt động kiểm tra và hoạt động ĐGSPH; công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng SPHH; GTCLQG để tôn vinh các doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm về CLSPHH sản xuất, nhập khẩu; kiểm soát được SPHH sản xuất, nhập khẩu; thực hiện các biện pháp quản lý chất lượng để nâng cao CLSPHH, uy tín, thương hiệu; GTCLQG là công cụ góp phần nâng cao năng suất chất lượng; áp dụng mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc.

Chia sẻ về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH, Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy Nguyễn Thị Mai Hương  cho biết, đánh giá tác động chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật CLSPHH có 7 chính sách bao gồm: sửa đổi xác định SPHH nhóm 2 và hoạt động kiểm tra chất lượng SPHH; quy định về quản lý chất lượng SPHH dựa trên ứng dụng MSMV; sửa đổi, bổ sung nội dung về hoạt động ĐGSPH; sửa đổi, bổ sung nội dung về kiểm soát viên chất lượng; thực thi các cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); quy định về Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI); sửa đổi, bổ sung các nội dung khác.

Kết luận hội thảo, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, qua ý kiến góp ý của các đại biểu có thể thấy sự quan tâm rất lớn từ các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội trong xã hội. Vì vậy, có thể thấy phạm vi của Luật CLSPHH rất rộng trong bối cảnh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ hiện nay. Qua đó, sửa đổi Luật CLSPHH phải tiếp cận theo luật khung để đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với từng ngành, lĩnh vực nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc đồng bộ trong hệ thống quản lý nhà nước. Việc hoàn thiện 7 nhóm chính sách trong Luật CLSPHH cần dày công nghiên cứu, đặc biệt, việc đánh giá tác động cần làm kỹ càng hơn, thậm chí ở những bước tiếp theo cần có những tập mẫu đánh giá riêng theo từng khía cạnh, từng chính sách.

Hà My

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)