Bảng xếp hạng này sử dụng phương pháp xếp hạng tương tự Bảng xếp hạng đại học thế giới của THE (THE World University Rankings), nhưng có sự điều chỉnh trọng số của các tiêu chí trên cơ sở cân đối lại nhằm phản ánh sứ mệnh và vai trò của các đại học trẻ. Theo đó, Bảng xếp hạng này xếp hạng đại học dựa trên 13 chỉ số thuộc 5 tiêu chí với trọng số tương ứng: Giảng dạy (30%), Nghiên cứu (30%), Trích dẫn khoa học (30%), Triển vọng quốc tế (7,5%), Thu nhập nhờ chuyển giao tri thức (2,5%).
Trong kỳ xếp hạng năm 2023, Việt Nam có 4 cơ sở đào tạo đại học được xếp hạng trong THE Young UR: Trường Đại học Duy Tân xếp hạng 101-105, Trường Đại học Tôn Đức Thắng xếp hạng 101-105, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp hạng 351-400 và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh xếp hạng 501+. Kỳ xếp hạng lần này có 605 cơ sở đào tạo đại học đến từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 66 cơ sở giáo dục được xếp hạng so với năm 2022).
Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) lấy lại vị trí đầu bảng khi nằm ở vị trí thứ 2 vào kỳ xếp hạng năm 2022. Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong vươn lên vị trí thứ hai, trong khi vị trí dẫn đầu năm ngoái là Đại học Paris Science et Letters bị xuống vị trí thứ 3. Hong Kong là vùng lãnh thổ có số lượng các trường đại học trẻ có vị trí xếp hạng hàng đầu thế giới nhiều nhất so với 78 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng; giành 3 vị trí trong top 10, nhiều hơn bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào khác.
Trong 66 cơ sở giáo dục đại học lần đầu tham gia xếp hạng, Đại học Humanitas (Ý) có kết quả xếp hạng cao với vị trí 29 trong bảng xếp hạng. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nhiều đại diện nhất với 47 cơ sở giáo dục, tiếp theo là Ấn Độ với 45 cơ sở giáo dục. Iran vượt qua Vương quốc Anh để trở thành quốc gia có nhiều đại diện thứ 3 với 39 cơ sở giáo dục.
VVH