Đây là sự kiện quan trọng để các nhà khoa học trẻ có thêm thông tin, trao đổi các thành tựu trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đồng thời cũng là cơ hội để thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong vùng và cả nước.
Việt Nam có diện tích trên 1 triệu ha diện tích mặt nước nội địa có tiềm năng nuôi thủy sản, 3.260 km bờ biển, 4.000 đảo lớn nhỏ và trên 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế. Đây là điều kiện rất tiềm năng cho phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả nước ngọt, nước lợ và nuôi biển. Tổng sản lượng thủy sản năm 2022 của Việt Nam đạt 9 triệu tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng là 5,1 triệu tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu là 11 tỷ USD. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng nuôi trồng thủy sản chủ lực của cả nước, đóng góp 70-74% tổng diện tích và sản lượng thủy sản của cả nước. Nuôi trồng thủy sản ở ĐBSCL rất đa dạng về đối tượng nuôi, mô hình nuôi, thủy vực, quy mô, hình thức tổ chức, mục đích sản xuất… Nuôi trồng thủy sản đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của ĐBSCL và cả nước.
Nhằm duy trì và phát triển mạnh mẽ mối liên kết, giao lưu, chia sẻ và hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực thủy sản cho sinh viên, cán bộ trẻ giữa các thành viên của mạng lưới viện/trường đào tạo và nghiên cứu thủy sản, Hội nghị Khoa học trẻ toàn quốc ngành thủy sản đã được tổ chức thường niên từ năm 2010 đến nay. Hội nghị được xem là sân chơi khoa học lý tưởng để sinh viên và cán bộ trẻ có thể chia sẻ thông tin về các thành tựu nghiên cứu khoa học và công nghệ thủy sản, làm nền tảng cho việc phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực và hợp tác giữa các viện - trường trong cả nước về thủy sản.
Dương Thúy Yên