Hầm đường bộ là công trình quan trọng trên các tuyến đường góp phần rút ngắn thời gian lưu thông, đảm bảo an toàn xe chạy, nâng cao hiệu quả đầu tư của dự án. Hiện nay, Việt Nam đã làm chủ về thiết kế, thi công, quản lý khai thác nhiều hầm đường bộ hiện đại như hầm Hải Vân, Thủ Thiêm, Đèo Cả, Cù Mông… Quá trình vận hành, khai thác quản lý chất lượng môi trường không khí và an toàn trong hầm giao thông đường bộ đang được các cơ quan quản lý, đơn vị vận hành, nhà khoa học quan tâm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm cho biết, hầm đường bộ là một trong những công trình giao thông quan trọng trong mạng lưới đường bộ, được thiết kế để giúp các phương tiện rút ngắn khoảng cách lưu thông và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của các tuyến đường bộ; đặc biệt là đường bộ cao tốc, từ đó giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông. Hơn 20 năm qua, Việt Nam đã chủ động tiếp nhận chuyển giao và làm chủ công nghệ xây dựng hầm từ các nước tiên tiến, nhiều công trình hầm đường bộ đã được xây dựng với quy mô lớn bằng công nghệ hiện đại do đội ngũ kỹ sư Việt Nam thực hiện như hầm Hải Vân 2, Đèo Cả, Cù Mông, Thung Thi, Trường Vinh... Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng đã tài trợ cho Việt Nam thông qua chương trình tín dụng để xây dựng và chuyển giao công nghệ thi công, quản lý khai thác hầm Hải Vân, Thủ Thiêm...
Tại hội nghị, các nhà khoa học, nhà quản lý cũng đề xuất một số các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng không khí trong hầm và khai thác an toàn, hiệu quả hầm giao thông đường bộ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Hoàng Thạch