Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đánh giá cao những kết quả đạt được trong hoạt động KH&CN mà các địa phương trong vùng đã thực hiện trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư cho KH&CN của một số địa phương còn hạn chế; tỷ lệ chi cho KH&CN chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế của vùng; chưa có nhiều sản phẩm KH&CN mang tính đột phá, thương mại hóa… Để vùng ĐBSH trở thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước, Bộ trưởng đề nghị: các tỉnh/thành phố trong vùng cần có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài đến làm việc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KH&CN; đề xuất Chính phủ tăng mức đầu tư cho hoạt động KH&CN; chỉ đạo xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn xã hội và nước ngoài gia tăng đầu tư cho KH&CN…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài phát biểu tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài khẳng định thời gian qua, UBND tỉnh Nam Định đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng KH&CN vào sản xuất và đời sống như Kế hoạch số 40/KH-UBND ngày 09/03/2023 nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Nam Định đến 2030 với mục tiêu đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực thông qua việc ứng dụng những thành tựu mới của KH&CN; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp với xu thế của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư và xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Để đưa Nam Định trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng ĐBSH và của cả nước, trong thời gian tới, tỉnh Nam Định mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương (trong đó có Bộ KH&CN) và các địa phương trong vùng ĐBSH để triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, từng bước đưa Nam Định thuộc nhóm khá trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học.
Báo cáo về kết quả hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương Chu Thúc Đạt cho biết, giai đoạn 2019-2023, hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vùng ĐBSH đã có được nhiều kết quả quan trọng. Các địa phương trong vùng đã ban hành 235 văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động KH&CN trên địa bàn; đổi mới công tác quản lý Nhà nước; tăng cường thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế… Các địa phương trong vùng cũng đã tiến hành thẩm định và tham gia ý kiến về công nghệ của 1.409 dự án đầu tư, góp phần vào việc ngăn chặn nhập khẩu, đưa vào hoạt động các công nghệ lạc hậu, công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người tại địa phương... Toàn vùng ĐBSH đã có 3.096 nhãn hiệu, 6 chỉ dẫn địa lý, 172 kiểu dáng công nghiệp, 58 sáng chế/giải pháp hữu ích được cấp bảo hộ; xử lý 211 vụ vi phạm quyền sở hữu công nghiệp, phạt cảnh cáo 8 vụ, phạt tiền 205 vụ với tổng số tiền phạt trên 5 tỷ đồng…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chia sẻ thông tin về đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nông nghiệp hữu cơ vùng ĐBSH, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai hoạt động KH&CN của vùng phù hợp với bối cảnh mới nhằm đưa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp hiệu quả hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương và vùng ĐBSH.
KĐ