Thứ sáu, 28/04/2023 10:45

Trí tuệ nhân tạo trong kinh tế số - Hướng tới giáo dục đại học thông minh

Trí tuệ nhân tạo (AI) được xác định ngày càng trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc quản trị đại học thông minh, giúp các trường đại học có thể thay đổi trải nghiệm học tập, cải thiện quản lý và tối ưu hóa nguồn lực. Nắm bắt xu thế phát triển đó, vừa qua, 3 đơn vị của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là Trường Đại học Kinh tế, Khoa Quốc tế Pháp ngữ và Trường Đại học Công nghệ đã phối hợp tổ chức tọa đàm "AI trong kinh tế số: Hướng tới giáo dục đại học thông minh".

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Trúc Lê - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế cho biết: Trong những năm gần đây, AI đã trở thành một lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, phát triển nhanh chóng và có tiềm năng để thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp và đời sống của con người. Trong đó, giáo dục đại học cũng đang phải đối mặt với các thách thức và cơ hội mới khi AI ngày càng được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đòi hỏi sự trang bị đầy đủ về những kỹ năng, kiến thức và hiểu biết mới liên quan tới AI. Mặt khác, “ngành kinh tế số là ngành đào tạo nhân lực có kiến thức cơ bản về quản lý kinh tế trong thời đại số; có khả năng vận dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại như robot, AI, Internet vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn…”.

Với tham luận “Phát triển ứng dụng dựa vào mô hình ngôn ngữ lớn”, TS Nguyễn Văn Vinh - Chuyên gia về dịch máy của Trường Đại học Công nghệ đã chia sẻ thông tin về cách mà thế giới tiếp cận, phát triển công nghệ AI và ứng dụng trong các lĩnh vực đời sống như thế nào. Thông qua ví dụ điển hình về mô hình ChatGPT, TS Nguyễn Văn Vinh đưa ra phân tích về những mặt tích cực, đồng thời chỉ ra những mặt trái của công nghệ này. TS Vinh nhấn mạnh, chương trình đào tạo tại bậc đại học cần khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng của AI, cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học mới để bắt kịp với những xu hướng thay đổi nhanh chóng, bước tiến vượt bậc trong thị trường việc làm và hoạt động nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo trên thế giới.

ThS Nguyễn Tiến Chương - Giảng viên Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế cho rằng, trong nghiên cứu, giáo dục đào tạo nói chung và lĩnh vực kinh tế nói riêng, các lợi ích mà AI mang lại có thể bao gồm trải nghiệm học tập được cá nhân hóa và hiệu quả hơn cũng như tăng khả năng tiếp cận thông tin. Bên cạnh đó, các thách thức có thể tập trung vào các mối quan tâm về quyền riêng tư, cân nhắc về đạo đức và khả năng hệ thống AI có thể phân tích những thông tin mang tính thời sự. Công nghệ AI giống như con dao hai lưỡi, nếu vận dụng hiệu quả, nó sẽ là vũ khí sắc bén để giải quyết nhiều vướng mắc nhưng đồng thời cũng có thể là mối nguy nếu ứng dụng không đúng cách.

Thông qua tham luận “AI, Machine Learning, dữ liệu phi cấu trúc và ứng dụng trong nghiên cứu lịch sử và lịch sử kinh tế”, ThS Hồ Bảo Lâm - Giảng viên Khoa Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế cho biết, một cách truyền thống, dữ liệu trong lịch sử kinh tế thường được rút trích từ các bộ dữ liệu hành chính còn sót lại (thuế, các ghi nhận sinh tử, nhân khẩu, thương mại...). Tuy nhiên, các dữ liệu này thường không đầy đủ và thường chỉ tồn tại ở một số thể loại nhất định. Trong khi đó, một lượng lớn các dữ liệu định tính và phi cấu trúc  nếu có thể được chuyển sang dữ liệu tính toán được, sẽ mang lại một cuộc cách mạng cho phân tích kinh tế học và lịch sử kinh tế. ThS Hồ Bảo Lâm cho rằng, AI là một công cụ hữu ích để thu thập các bộ dữ liệu lớn có tính hệ thống và có khả năng cách mạng hoá các phân tích kinh tế, lịch sử, lịch sử kinh tế, trả lời các câu hỏi quan trọng và có nhiều tiềm năng ứng dụng vào nghiên cứu liên ngành trong ĐHQGHN.

Thu Uyên, Quang Trung

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)