Thứ hai, 17/04/2023 14:36

Biến tế bào ung thư thành vũ khí chống ung thư

Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã phát hiện ra rằng, khi họ biến tế bào ung thư thành tế bào miễn dịch, họ có thể dạy các tế bào miễn dịch khác cách tấn công chính loại ung thư mà tế bào đã sinh ra.

GS Ravi Majeti và các đồng nghiệp đã lập trình các tế bào ung thư bạch cầu của chuột để một số trong số chúng có thể tự biến đổi thành các tế bào tấn công khối u (ảnh: Steve Fisch).

GS Ravi Majeti - Giám đốc Viện Sinh học Tế bào gốc và Y học tái tạo tại Đại học Stanford - tác giả chính của nghiên cứu cho biết: cách tiếp cận này có thể mở ra một phương pháp hoàn toàn mới trong điều trị ung thư. Các tế bào T - một phần của hệ thống miễn dịch, có thể xác định và tấn công các mầm bệnh mới, sẽ được đào tạo để nhận ra các kháng nguyên ung thư cụ thể - các protein tạo ra phản ứng miễn dịch.

Ví dụ, trong liệu pháp tế bào CAR-T, các tế bào T được lấy từ một bệnh nhân, được lập trình để nhận ra một kháng nguyên ung thư cụ thể, sau đó sẽ được đưa trở lại bệnh nhân. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều kháng nguyên ung thư và các bác sỹ cần phải đoán xem kháng nguyên nào sẽ mạnh nhất.

Để xử lý vấn đề này, một phương pháp tốt hơn được đề xuất là huấn luyện các tế bào T nhận biết ung thư thông qua các quá trình mô phỏng gần giống với cách mọi thứ diễn ra tự nhiên trong cơ thể (giống như cách vắcxin dạy hệ thống miễn dịch nhận biết mầm bệnh). Các tế bào T học được cách nhận biết mầm bệnh vì các tế bào trình diện kháng nguyên đặc biệt (APC) sẽ thu thập các mảnh mầm bệnh và hiển thị chúng cho các tế bào T. Trong bệnh ung thư, APC sẽ thu thập nhiều kháng nguyên đặc trưng cho tế bào ung thư. Bằng cách đó, thay vì các tế bào T được lập trình để tấn công một hoặc một vài kháng nguyên, chúng được huấn luyện để nhận ra nhiều kháng nguyên ung thư và có khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhiều hướng vào ung thư.

Trong nghiên cứu hiện tại, các nhà khoa học đã lập trình những tế bào ung thư bạch cầu của chuột để một số trong số chúng có thể được kích thích, tự biến đổi thành APC. Khi họ thử nghiệm vắcxin ung thư trên hệ thống miễn dịch của chuột, những con chuột đã loại bỏ ung thư thành công. Kết quả của các thí nghiệm khác cũng cho thấy rằng, tế bào được tạo ra từ tế bào ung thư thực sự đóng vai trò là tế bào trình diện kháng nguyên khiến tế bào T nhạy cảm với ung thư.

GS Ravi Majeti cho biết thêm: “Hơn nữa, chúng tôi đã chỉ ra rằng hệ thống miễn dịch ghi nhớ những gì các tế bào này đã dạy chúng, vì vậy khi chúng tôi tái tạo ung thư cho những con chuột này hơn 100 ngày sau khi cấy ghép khối u ban đầu, chúng vẫn có phản ứng miễn dịch mạnh mẽ để bảo vệ”.

Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp tương tự bằng cách sử dụng chuột bị ung thư sợi, ung thư vú và ung thư xương. Việc chuyển đổi tế bào ung thư từ khối u rắn không hiệu quả bằng nhưng vẫn quan sát thấy kết quả khả quan. Với cả 3 loại ung thư, việc tạo ra các APC có nguồn gốc từ khối u đã dẫn đến khả năng sống sót được cải thiện đáng kể.

Cuối cùng, các nhà nghiên cứu quay trở lại loại bệnh bạch cầu cấp tính ban đầu. Khi các APC có nguồn gốc từ tế bào ung thư bạch cầu ở người tiếp xúc với các tế bào T của người từ cùng một bệnh nhân, họ đã quan sát thấy tất cả các dấu hiệu có thể xảy ra nếu các APC thực sự dạy các tế bào T cách tấn công bệnh bạch cầu. Kết quả đã chỉ ra rằng, các tế bào khối u được lập trình lại có thể dẫn đến một cuộc tấn công lâu dài và có hệ thống vào ung thư ở chuột và phản ứng tương tự với các tế bào miễn dịch của bệnh nhân ở người. Trong tương lai, các tác giả kỳ vọng có thể loại bỏ các tế bào khối u, biến đổi chúng thành APC và đưa chúng trở lại bệnh nhân như một loại vắcxin điều trị ung thư.

Bắc Lê (theo Stanford Medicine)

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)