Thứ sáu, 07/04/2023 14:12

Cục Sở hữu trí tuệ: Một số kết quả hoạt động nổi bật

Sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng có vai trò quan trọng trong các hoạt động của đời sống xã hội và phát triển kinh tế, đặc biệt trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xác định được vai trò quan trọng đó, Cục SHTT đã nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ vào kết quả chung của ngành khoa học và công nghệ (KH&CN).

Chính sách, pháp luật về SHTT

Ngày 16/6/2022, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT được Quốc hội thông qua. Ngay sau đó, Cục SHTT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật; xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật (Nghị định của Chính phủ; Thông tư của Bộ KH&CN. Cùng với việc xây dựng các văn bản pháp luật, Cục còn đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến SHTT (18 văn bản pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành). Bên cạnh đó, với vai trò là cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về SHTT, Cục đã thường xuyên thực hiện giải đáp, đề xuất việc thống nhất cách hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật về SHTT; tham gia rà soát, góp ý cho các dự thảo báo cáo rà soát văn bản pháp luật…

Về công tác pháp chế và chính sách quốc tế, trong năm 2022, Cục đã tham gia đóng góp ý kiến, đàm phán nội dung SHTT trong nhiều hiệp định thương mại tự do như đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Canada, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA)…

Ngoài ra, Cục đã phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng trình Chính phủ và Bộ KH&CN ban hành Kế hoạch triển khai Hiệp ước Budapest về sự công nhận quốc tế đối với việc nộp lưu chủng vi sinh nhằm tiến hành các thủ tục về sáng chế của Chính phủ và của Bộ KH&CN; tham gia triển khai các nội dung về SHTT theo CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP…

Hợp tác quốc tế về SHTT

Tháng 7/2022, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã tham dự và có bài phát biểu tại Phiên họp Đại hội đồng Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) lần thứ 63. Trong dịp này, Bộ trưởng cũng đã hội đàm với Tổng Giám đốc WIPO nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương và chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục SHTT với WIPO về triển khai Chiến lược SHTT. Tháng 9/2022, Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang cùng với lãnh đạo một số sở KH&CN đã làm việc với Viện Sở hữu công nghiệp Pháp (INPI) và WIPO để thảo luận nội dung hợp tác về SHTT, chỉ dẫn địa lý và chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt và Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai chứng kiến Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục SHTT với WIPO.

Tháng 9/2022, Phó Tổng Giám đốc WIPO Hasan Kleib đã sang thăm và làm việc với các cơ quan có liên quan của Việt Nam nhằm triển khai kết quả chuyến thăm WIPO của Chủ tịch nước vào tháng 11/2021. Phó Tổng Giám đốc WIPO đã làm việc với Bộ KH&CN, Cục SHTT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Học viện Ngoại giao, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh, đồng thời tổ chức 2 Hội thảo dành cho phụ nữ và doanh nhân. Qua chuyến thăm của Phó Tổng Giám đốc WIPO, hai bên đã đạt được một số thỏa thuận quan trọng để hiện thực hóa các cam kết của WIPO với Việt Nam. Những chuyến công tác này đã tạo động lực mới để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương sau một quá trình ngưng trệ do đại dịch Covid-19, mở ra nhiều cơ hội cho việc triển khai hoạt động hợp tác quốc tế về SHTT trong những năm tới. Bên cạnh đó, Cục đã tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương như ASEAN, APEC, WTO nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực, nâng cao vị thế của Cục trên các diễn đàn đa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Các dự án hợp tác quốc tế tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao năng lực cho Cục SHTT, trong đó phải kể đến Dự án Nâng cao năng lực xử lý đơn cho Cục của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Dự án triển khai hệ thống WIPO IPAS với WIPO. Theo đó, các Dự án đã hỗ trợ Cục dự thảo quy chế hướng dẫn thẩm định sáng chế liên quan đến công nghệ mới, tài liệu hướng dẫn kiểm soát chất lượng và đưa hệ thống WIPO IPAS vào chính thức áp dụng kể từ ngày 15/12/2022. Các khóa đào tạo của EPO, EUIPO, INPI, WIPO… cũng được tổ chức thường kỳ theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã góp phần nâng cao năng lực cho các cán bộ của Cục.

Hoạt động hợp tác quốc tế cũng đã góp phần nâng cao năng lực của cả hệ thống SHTT Việt Nam với các dự án tiêu biểu như: Dự án chỉ dẫn địa lý với Hiệp hội Xúc tiến sáng chế Hàn Quốc (KIPA) đã hỗ trợ Cục xây dựng và công bố Biểu trưng chỉ dẫn địa lý quốc gia; Dự án công nghệ phù hợp với KIPA đã hỗ trợ xây dựng mô hình bếp lò đun nước nóng cho một số trường tiểu học ở vùng cao của tỉnh Lào Cai.

Nghiên cứu, đào tạo và truyền thông về SHTT

Hoạt động đào tạo, tập huấn về SHTT của Cục đã được triển khai một cách tích cực, phong phú và đa dạng cả về nội dung và hình thức. Cục đã chủ trì và phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kiến thức cơ bản và chuyên sâu về SHTT theo nhu cầu của xã hội cho các nhóm chủ thể trong hệ thống: cán bộ quản lý KH&CN, SHTT tại địa phương, luật sư tư vấn, nhà khoa học, doanh nhân, sinh viên... Công tác tập huấn về SHTT cũng được chú trọng cải tiến hình thức như triển khai một số khóa tập huấn, đào tạo các chương trình tổng quan về SHTT dưới hình thức trực tuyến để các nhóm chủ thể quan tâm tham dự. Hình thức này thu hút được nhiều đối tượng trên khắp cả nước tham gia và đánh giá cao về kiến thức được tiếp nhận, trong đó có đông đảo sinh viên các trường đại học.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Mạng lưới các Trung tâm hỗ trợ công nghệ và đổi mới sáng tạo (TISC) được thành lập trên cơ sở Dự án TISC do WIPO khởi xướng trên phạm vi toàn cầu, Cục là đầu mối triển khai các hoạt động cho mạng lưới, trong đó tập trung vào tuyên truyền, tập huấn trang bị các kiến thức cần thiết về SHTT cho các thành viên mạng lưới phục vụ công tác nghiên cứu và đào tạo. Hiện mạng lưới gồm hơn 40 đơn vị thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu trên khắp cả nước, các thành viên thường xuyên và chủ động kết nối để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý SHTT ở đơn vị mình.

Cục đã định kỳ phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí như Báo Nhân dân, Truyền hình Thông tấn; Đài Truyền hình Việt Nam; Đài Tiếng nói Việt Nam… tuyên truyền, giới thiệu về các khía cạnh của SHTT, đặc biệt là tuyên truyền trong chuỗi sự kiện truyền thông kỷ niệm Ngày Đổi mới sáng tạo 21/4 và Ngày SHTT Thế giới 26/4.

Tổ chức triển khai Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Trong năm 2022, Cục đã phối hợp với các sở KH&CN xây dựng và trình HĐND, UBND tỉnh, thành phố ban hành cơ chế phát triển tài sản trí tuệ và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ. Tính đến hết năm 2022, đã có 58 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy công tác bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.

Năm 2022, Cục đã tổ chức xem xét đặt hàng, tuyển chọn và quản lý 27 nhiệm vụ KH&CN thuộc Chương trình, trong đó tập trung xem xét, hỗ trợ cho các nhóm nội dung như tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các nhà khoa học, tập huấn; nâng cao năng lực xử lý các vụ việc về SHTT cho cán bộ tư pháp; nghiên cứu xây dựng tài liệu tập huấn về SHTT cho các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Cục cũng đã phối hợp, cho ý kiến chuyên môn để hỗ trợ các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương.

Cục đã thường xuyên phối hợp với các nhóm, các chủ thể trong xã hội triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nhằm tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về đổi mới sáng tạo và SHTT hướng tới tạo dựng văn hóa SHTT trong xã hội; thúc đẩy đăng ký bảo hộ quyền SHTT trong và ngoài nước; nâng cao hiệu quả quản lý và khai thác tài sản trí tuệ.

Quản lý nhà nước, đại diện giám định, xử lý đơn sở hữu công nghiệp (SHCN) và sáng kiến

Trong năm 2022, Cục thực hiện thường xuyên công tác quản lý nhà nước về SHCN và sáng kiến của các bộ, ngành, địa phương thông qua việc góp ý các quy định, hướng dẫn thực hiện, giải thích, giải đáp yêu cầu của các bộ, ngành và địa phương liên quan đến nghiệp vụ về SHCN và hoạt động sáng kiến. Cục đã phối hợp với Sở KH&CN Bắc Giang tổ chức thành công hội nghị Quản lý nhà nước về SHTT năm 2022; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thành công hội thảo “Sáng kiến vì cộng đồng: Chia sẻ - nhân rộng và kết nối”; Lễ tổng kết và trao giải Chương trình Sáng kiến vì cộng đồng lần thứ IV.  

Công tác quản lý hoạt động đại diện và giám định SHCN được thực hiện thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động này, hỗ trợ tích cực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xác lập và bảo vệ quyền SHCN. Năm 2022, Cục đã xử lý 68 hồ sơ liên quan đến các tổ chức và cá nhân đến hoạt động đại diện SHCN. Tính đến tháng 12/2022, cả nước có 243 tổ chức đại diện SHCN và 372 cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện SHCN ở Việt Nam (tăng 15 tổ chức và 01 cá nhân so với năm 2021). Cục cũng đã tổ chức kỳ kiểm tra nghiệp vụ đại diện SHCN và triển khai các hoạt động để tổ chức kiểm tra nghiệp vụ giám định SHCN vào cuối tháng 12/2022.

Năm 2022, Cục đã tiếp nhận 140.903 đơn các loại (tăng 7,1% so với năm 2021), bao gồm 78.086 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 3,3% so với năm 2021) và 62.817 các loại đơn và yêu cầu khác (tăng 12,1% so với năm 2021). Cục đã xử lý được 113.906 đơn các loại, trong đó có 65.466 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN  (giảm 12,2% so với năm 2021) và 48.440 đơn/yêu cầu khác (tăng 3,4% so với năm 2021); cấp 42.279 văn bằng bảo hộ SHCN (tăng 8,3% so với năm 2021).

CT

 

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)