Thứ năm, 09/03/2023 14:36

Tập thể khoa học nữ đóng góp vào sự tiến bộ trong chế tạo và kiểm nghiệm thuốc

Giải Kovalevskaia năm 2022 dành cho tập thể đã được trao cho các nhà khoa học nữ thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội vì những đóng góp trong việc tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học tiềm năng để phát triển thành thuốc; nghiên cứu phát triển các phương pháp tổng hợp, phân tích chất chuẩn, tạp chuẩn ứng dụng trong kiểm nghiệm, đảm bảo chất lượng thuốc.

Các nhà khoa học nữ thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội trong phòng thí nghiệm (ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Tìm kiếm các chất mới có hoạt tính sinh học để phát triển thuốc

Một trong những đóng góp tiêu biểu của các nhà khoa học nữ thuộc Bộ môn Hóa dược, Khoa Công nghệ Hóa dược, Trường Đại học Dược Hà Nội là đã thiết kế và tổng hợp được hơn 450 hợp chất mới dựa trên mục tiêu phân tử trong đó có rất nhiều chất có tiềm năng phát triển thành thuốc. Dựa trên các mục tiêu phân tử HDAC, caspase, IDO1…, nhiều nghiên cứu thiết kế, tổng hợp và thử tác dụng sinh học của các dẫn chất mới hướng đích đã được thực hiện tại Bộ môn. Trong đó, 450 hợp chất do nhóm tổng hợp đều đã được khẳng định cấu trúc và đưa vào thử hoạt tính sinh học. Toàn bộ các dẫn chất này đã có đóng góp rất đáng ghi nhận vào Ngân hàng các hợp chất tiềm năng của ngành dược thế giới, dùng trong nghiên cứu và phát triển thuốc mới hướng điều trị ung thư, tiểu đường, sa sút trí tuệ… Các dãy chất có tiềm năng nhất đã được đăng ký bảo hộ bản quyền ở Hàn Quốc và Việt Nam.

Đặc biệt, có 04 hợp chất 4g, 6h, 7a, 10a đã được lựa chọn cho các pha phát triển tiếp theo nhằm đưa vào ứng dụng thực tế. Đây đều là kết quả của các đề tài do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tài trợ. Trong đó hai chất 4g và 6h là kết quả của đề tài “Thiết kế, tổng hợp, thử tác dụng ức chế histone deacetylase và tác dụng kháng ung thư của các dẫn chất kiểu lai hóa quinazolin - acid hydroxamic”. Khi thử độc tính trên tế bào ung thư, IC50 của các chất trên có giá trị lần lượt là 0,65-0,85 µM và 0,37-0,55 µM, trong khi chất đối chứng SAHA (thuốc đang được sử dụng trong điều trị) có IC50 = 3,37-3,63 µM (tức là tác dụng của 4g và 6h mạnh hơn SAHA khoảng 5-10 lần). Hai chất 7a và 10a là kết quả của đề tài: “Thiết kế, tổng hợp, thử tác dụng kháng ung thư của các dẫn chất N-hydroxypropenamid, N-hydroxyheptanamid và acid benzhydroxamic mới mang dị vòng”. Độc tính trên tế bào ung thư của hai chất này còn đáng kể hơn 4g và 6h với giá trị IC50 của 7a là 0,009-0,05 µM, còn của 10a là 0,05-0,09 µM, mạnh hơn so với SAHA (IC50 là 3,37-3,63 µM) tới gần 40 lần.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, 4 hợp chất 4g, 6h, 7a, 10a đều có hoạt tính kháng ung thư in vitro (mô hình thử nghiệm trong ống nghiệm, trên tế bào), cao gấp 7-36 lần so với thuốc chứng đang lưu hành. Vì vậy, cả bốn chất đã được lựa chọn để khảo sát hiệu lực tác dụng trên cơ thể sống (in vivo). Hiện tại, cả bốn chất tiếp tục được lựa chọn để đánh giá toàn diện trong pha tiền lâm sàng với hy vọng có thể tiếp tục phát triển thành thuốc.

Nghiên cứu phát triển các phương pháp kiểm nghiệm chất lượng thuốc.

Hướng nghiên cứu thứ hai của các nhà khoa học tại Bộ môn không chỉ đưa ra sản phẩm là các chất chuẩn, tạp chuẩn mà còn cung cấp các quy trình, tiêu chuẩn cơ sở làm nền tảng cho các nghiên cứu đánh giá chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc, thực phẩm chức năng...

Các nhà khoa học nữ của bộ môn đã ứng dụng thành công việc tổng hợp một số tạp chuẩn, chất chuẩn được sử dụng trong kiểm tra chất lượng nguyên liệu làm thuốc và thuốc thành phẩm. Tiêu biểu phải kể đến hai đề tài cấp cơ sở: “Nghiên cứu tổng hợp tạp chất B của Terazosin” và “Xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho nguyên liệu tạp chất B của Terazosin” thuộc luận án của TS Đỗ Thị Thanh Thủy đã tạo ra các sản phẩm tổng hợp là các tạp chuẩn. Từ các sản phẩm tổng hợp này, giảng viên nữ của Bộ môn đã phối hợp với Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương (NIDQC) thiết lập được 4 loại chất chuẩn chính đạt tiêu chuẩn chất chuẩn quốc gia, gồm 1 chuẩn hoạt chất (Terazosin. HCl) và 3 tạp chuẩn (tạp chuẩn A, B, C của Terazosin) có giá thành chỉ bằng 1/4 so với chuẩn cùng loại của Hội đồng Dược điển Mỹ (USP).

Bên cạnh đó, nhiều quy trình, tiêu chuẩn cơ sở của nguyên liệu và thuốc thành phẩm đã được xây dựng, chuyển giao cho các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ sở sản xuất, như Quy trình định lượng đồng thời Artemisinin, Artesunat, Dihydroartemisinin trong huyết tương (được sử dụng trong quá trình nghiên cứu phát triển dạng bào chế nano của Artesunat), Quy trình định lượng Fenofibrat, Rivaroxaban, Glyclazid… trong chế phẩm và huyết tương (dùng để nghiên cứu phát triển dạng bào chế mới) của Viện Công nghệ Dược phẩm quốc gia và nhiều quy trình khác phục vụ quá trình nghiên cứu bào chế các dạng thuốc mới cũng như kiểm tra chất lượng thuốc trong quá trình lưu hành của các cơ sở.

Trong 5 năm gần đây, các giảng viên, kỹ thuật viên của Bộ môn đã:

- Chủ trì/tham gia hoàn thành 10 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia (Nafosted và KC.10). Hiện tại, đang chủ trì 04 đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia khác và 1 đề tài tương đương cấp bộ.

- Chủ trì và hoàn thành 12 đề tài cấp cơ sở;

- Thiết kế và tổng hợp được hơn 450 hợp chất mới dựa trên mục tiêu phân tử, trong đó có rất nhiều chất có tiềm năng.

- Có 16 bằng sáng chế được Hàn Quốc công nhận bản quyền và 1 bằng sáng chế đang trong quá trình xét cấp bản quyền tại Việt Nam.

Minh Nguyệt

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)