Các đại biểu tham dự hội thảo “Văn hóa, văn học Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh thời đại số” (ảnh: Thành Long).
Các nhà khoa học cũng cho rằng, sâu xa hơn, một phương diện quan trọng hơn trong mối quan hệ giữa văn hóa, văn học với bối cảnh thời đại số đó là việc hình thành văn hóa số phải gắn với việc xây dựng, bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia. Khi việc phát huy giá trị văn hóa, con người văn hóa Việt Nam được coi là sức mạnh nội sinh, nguồn lực nội sinh để đưa đất nước phát triển trong bối cảnh toàn cầu hóa đã trở thành một chủ trương và định hướng quan trọng của Nhà nước thì việc đặt ra vấn đề nghiên cứu văn hóa, văn học trong bối cảnh xã hội thay đổi và chuyển mình thành một thời đại số hóa cần phải được đặc biệt lưu tâm đến. Nhất là khi nó được đặt trong sự tham chiếu với một quốc gia, vùng lãnh thổ ngoài Việt Nam thì kết quả của những thảo luận khoa học sẽ được đúc kết thành các nội dung mang tính lý luận và thực tiễn quan trọng, có giá trị tham khảo về tư vấn chính sách văn hóa, văn học cho Việt Nam.
Hội thảo diễn đàn để tăng cường giao lưu học thuật trong nghiên cứu văn học, văn hóa Việt Nam - Trung Quốc trong bối cảnh xã hội có nhiều chuyển đổi, cụ thể là xã hội chuyển đổi số và thời đại toàn cầu hóa; tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tại Hội thảo, các vấn đề được quan tâm hiện nay đã được thảo luận, như sự phát triển của các loại hình văn hóa, văn học tinh hoa và văn hóa, văn học đại chúng của Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh số hóa; mối quan hệ giữa văn hóa, văn học tinh hoa và đại chúng trong bối cảnh số hóa (xung đột văn hóa, dung hòa văn hóa...). Các nhà khoa học cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu so sánh các xu hướng phát triển, đặc điểm của văn hóa, văn học Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi số cũng như sự thích ứng và chuyển hướng của các hoạt động nghiên cứu văn hóa, văn học trong bối cảnh số hóa ở Việt Nam và Trung Quốc.
Thùy Dung