Trong năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến xây dựng 24 tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong đó, lĩnh vực địa chất khoáng sản 19, lĩnh vực khí tượng thủy văn 2, lĩnh vực đất đai 2 và lĩnh vực công nghệ thông tin 1. Cụ thể, đối với lĩnh vực địa chất khoáng sản, các tiêu chuẩn tập trung chuẩn hóa các nội dung về phương pháp địa vật lý lỗ khoan được áp dụng trong điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, địa chất thủy văn, địa chất công trình, đánh giá, thăm dò khoáng sản, nghiên cứu môi trường; địa vật lý lỗ khoan xác định trạng thái kỹ thuật lỗ khoan, lấy mẫu, mở vỉa, theo dõi sự biến đổi cơ lý trong quá trình khoan…
Lĩnh vực khí tượng thủy văn, việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật tập trung vào các nhiệm vụ bảo quản, bảo dưỡng công trình quan trắc khí tượng thủy văn, điều tra lũ vùng sông không ảnh hưởng thủy triều. Mục tiêu nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực khí tượng thủy văn nói chung, công tác bảo quản, bảo dưỡng công trình, phương tiện quan trắc khí tượng thủy văn nói riêng; chuẩn hóa công tác bảo quản, bảo dưỡng công trình, phương tiện quan trắc khí tượng thủy văn, phù hợp với sự thay đổi công nghệ thiết bị đo; phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế.
Lĩnh vực quản lý đất đai, nhiệm vụ trong năm 2023 là xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia. Việc xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật hướng đến quy định chi tiết về đặc tính kỹ thuật, chuẩn để phân loại, đánh giá, quản lý chất lượng cơ sở dữ liệu đất đai nói chung cũng như cơ sở dữ liệu ô nhiễm đất đai nói riêng, góp phần nâng cao chất lượng, quản lý hiệu quả công tác đánh giá đất.
Về công nghệ thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về dịch vụ đối tượng bản đồ trên web trên cơ sở tham khảo chuẩn quốc tế. Việc xây dựng tiêu chuẩn sẽ bổ sung đầy đủ, đồng bộ vào hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật về thông tin địa lý, góp phần nâng cao chất lượng, phát triển đồng bộ công nghệ thông tin trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bảo Lâm