Thứ tư, 05/04/2023 14:46

New Zealand: Chương trình giáo dục mầm non mang tính mở

Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), New Zealand là một trong những đất nước đầu tiên trên thế giới xây dựng được một chương trình giáo dục mầm non quốc gia đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chương trình giáo dục ấy ra đời từ năm 1996 và được đặt tên là Te Whāriki.

Tinh thần của văn hoá Māori là một nền tảng lý thuyết quan trọng để xây dựng chương trình giáo dục New Zealand - một nền giáo dục hoà nhập cho tất cả trẻ em. Chương trình giáo dục mầm non của New Zealand được viết bằng 2 thứ tiếng song song: tiếng Anh và tiếng Māori. Te Whāriki được xây dựng dựa trên quan điểm về trẻ em như những người học đầy đủ năng lực và chủ động. Te Whāriki, trong tiếng Māori có nghĩa là tấm thảm, một tấm thảm được dệt từ sự kết hợp hoà quyện của 4 nguyên tắc và 5 kết quả mong đợi. 4 nguyên tắc chính đó là: trao quyền, phát triển toàn diện, gia đình và cộng đồng, và các mối quan hệ. 5 kết quả học tập/mục tiêu hướng đến trong sự phát triển của trẻ, bao gồm: Wellbeing (tinh thần thoải mái của trẻ), Belonging (sự phụ thuộc) Contribution (đóng góp), Communication (giao tiếp), Exploration (khám phá).

Các đại biểu tham dự tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - Zealand”.

Tại buổi tọa đàm “Chia sẻ kinh nghiệm giáo dục mầm non Việt Nam - Zealand” do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Giáo dục và Khoa Các Khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Hiệp hội Giáo dục mầm non ngoài công lập (Cơ quan giáo dục New Zealand) tổ chức mới đây, GS Marek Tesar - Đại học Auckland (New Zealand) khẳng định, Chương trình giáo dục mầm non của New Zealand mang tính mở, các hoạt động hàng ngày của trẻ được triển khai dựa trên học thông qua chơi, đề cao ý nghĩa và vai trò của chơi tự do, vì qua chơi, trẻ em có thể học và kiến tạo kiến thức cho bản thân theo cách của riêng mình. Để làm được đó, giáo viên (kaiako) cần xây dựng mình thành “Ako” của trẻ, có nghĩa là người học và người dạy là một. Trẻ em là người học nhưng cũng đồng thời là người thầy dẫn dắt giáo viên, giáo viên là người dạy nhưng đồng thời là người học từ trẻ em. Nói một cách khác, trẻ em và giáo viên là bạn đồng hành và người cùng kiến tạo tri thức.

Có thể nói, triết lý giáo dục mầm non này của New Zealand rất ngắn gọn, nhưng thể hiện được hết tinh thần khai phóng của giáo dục New Zealand, một nền giáo dục nhân văn, coi trọng tinh thần sáng tạo và sự chủ động của trẻ em. Vì thế, giáo viên mầm non cần được trang bị những kiến thức mang tính tích hợp về các lĩnh vực để đáp ứng yêu cầu chăm sóc và giáo dục trẻ. Mặt khác, giáo viên ngoài việc biết tổ chức các hoạt động với trẻ em thì cần phải biết xây dựng khung chương trình và phát triển chương trình phù hợp.

VVH

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)