Thứ sáu, 24/02/2023 14:24

Phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm dầu nhờn theo QCVN 14:2018/BKHCN

Ngày 23/02/2023, Viện Nghiên cứu Phát triển Tiêu chuẩn Chất lượng (ISSQ) đã phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hóa miền Nam (Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) tổ chức hội thảo khoa học “Phổ biến, hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm dầu nhờn theo QCVN 14:2018/BKHCN”.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng hàng hoá miền Nam Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, trong quy định xử phạt vi phạm hành chính về chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, tổ chức là 300 triệu đồng, trừ các trường hợp quy định tại điểm Đ, E, G, H, K 2 Điều 14; các điểm Đ, E, G, H, K 2 Điều 15; các điểm Đ, E, G, H, K 2 Điều 16; các điểm K 3, 4 Điều 17; K 4 Điều 18, K 4 Điều 19 và các K 5-7 Điều 20. Mức phạt nói trên chỉ là theo khung pháp luật. Đối với những nhãn hàng hóa không đảm bảo chất lượng đã tiêu thụ trên thị trường mức phạt có thể nhân lên thêm 2-3, thậm chí 5 lần. Thời gian qua, có những trường hợp bị xử phạt với số tiền trên dưới 1 tỷ đồng. Ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính, tùy từng hành vi vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi và tái chế, tiêu huỷ sản phẩm, hàng hoá gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi; buộc phải cải chính thông tin sai sự thật, tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam/buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu… Bên cạnh đó, doanh nghiệp sai phạm còn phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như đình chỉ hoạt động sản xuất, nhập khẩu, buôn bán sản phẩm, hàng hoá 1-3 tháng.

Hội đồng tư vấn trả lời các câu hỏi, thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến quy định pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm dầu nhờn.

Tại hội thảo, Phó Viện trưởng ISSQ Phạm Hữu Vững cho biết, đối với các nhà máy đang đặt tại nước ngoài, để sản xuất, gia công cho sản phẩm nhập vào Việt Nam thì thủ tục, trình tự để đánh giá hợp chuẩn, hợp quy sẽ căn cứ theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức đánh giá chứng nhận tiến hành đánh giá tại nhà máy sản xuất của doanh nghiệp, bao gồm quá trình sản xuất, kế hoạch kiểm soát chất lượng sản xuất, đánh giá chất lượng sản phẩm. Dựa trên cơ sở đó, nếu tất cả yếu tố được đáp ứng thì bên tổ chức đánh giá tín nhiệm sẽ cấp Giấy chứng nhận theo phương thức 5 có thời hạn giá trị tối đa không quá 3 năm. Ngoài ra, hằng năm, tổ chức đánh giá tín nhiệm sẽ qua nhà máy sản xuất được đặt tại nước ngoài để tiến hành hoạt động đánh giá giám sát theo quy định của nhà nước Việt Nam. Chính vì thế, các công ty nước ngoài vẫn có thể tiến hành đánh giá theo phương thức 5 và cấp giấy chứng nhận với 2 điều kiện: Thứ nhất, tổ chức đánh giá tín nhiệm cử đoàn chuyên gia đánh giá tại các nhà máy của nước sở tại. Thứ hai, là các điều kiện yêu cầu về mức giới hạn, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn đồ uống.

Kim Thoa

 

 

Đánh giá

X
(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)