Đây là kết quả của quá trình hợp tác, chuyển giao quy trình công nghệ nuôi cấy nấm đông trùng hạ thảo giữa Sở KH&CN tỉnh Cao Bằng với Viện Nghiên cứu ứng dụng. Qua quá trình triển khai nuôi trồng, cán bộ phòng nghiên cứu ứng dụng, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đã tiếp thu được quy trình công nghệ nuôi Đông trùng hạ thảo trong môi trường nhân tạo. Thời gian bắt đầu nuôi cấy từ đầu tháng 6/2022 với nguyên liệu để sản xuất gồm: đường glucose, gạo lứt, nhộng tằm, khoai tây, agar. Với 288 lọ nuôi trồng thử nghiệm, năng suất trung bình của nấm đạt khoảng 100 g/hộp, nấm có màu vàng tươi, đẹp. Từ tháng 6 đến nay, số lượng nấm đông trùng hạ thảo mà trung tâm sản xuất được là 1.200 hộp, mỗi hộp 100 g, sản phẩm được đưa ra thị trường là nấm tươi, được khách hàng đón nhận, tin dùng.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nuôi cấy thành công nấm Đông trùng hạ thảo.
Nấm Đông trùng hạ thảo đòi hỏi môi trường nuôi cấy phải thực hiện liên tục đáp ứng các giai đoạn phát triển như: giai đoạn ươm sợi phải để trong bóng tối, nhiệt độ 20-22oC, độ ẩm 65-75%. Giai đoạn hình thành quả thể phải trong môi trường chiếu sáng 12-14 giờ/ngày, nhiệt độ 20-22oC, độ ẩm 90-92%. Mặt khác, nơi nuôi cấy phải đảm bảo yêu cầu và đầu tư tương đối lớn cho hệ thống nhà lạnh, thiết bị vệ sinh khử trùng, đèn UV…
Lãnh đạo Trung tâm kiểm tra môi trường nuôi cấy Đông trùng hạ thảo.
Ông Phạm Phi Long - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN đánh giá: đây là sản phẩm đòi hỏi quy trình kỹ thuật phức tạp nên rất khó nuôi trồng với kết quả bước đầu như vậy là đã thành công. Tuy nhiên, Trung tâm sẽ đầu tư hơn nữa trong việc bảo quản Đông trùng hạ thảo sau thu hoạch và có phương pháp thích hợp để bảo quản đảm bảo giá trị của nấm.
Mô hình nuôi trồng nấm Đông trùng hạ thảo hiện còn khá mới trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Đây là mô hình có ý nghĩa về mặt kinh tế, xã hội cũng như về mặt y dược. Với giá trị dược liệu cao, chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, việc nghiên cứu thành công quy trình nuôi trồng Đông trùng hạ thảo ở môi trường nhân tạo sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển thêm các loại nấm có giá trị kinh tế và thúc đẩy mở rộng sản xuất.
PH