Đa dạng hóa đối tượng nuôi để phát triển bền vững
Sóc Trăng có vùng cửa sông rộng lớn ven biển, trải dài qua 3 huyện, thị xã nên nghề nuôi trồng thủy sản đã được phát triển rất sớm, với đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ, cá, cua… Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sóc Trăng, diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh năm 1992 đạt 19.000 ha nhưng đến năm 2021 con số này đã tăng lên 76.530 ha (tăng gần 4 lần), trong đó diện tích tôm nuôi nước lợ là 53.000 ha (tăng gần 37.000 ha), sản lượng tôm thu hơn 183.200 tấn (tăng hơn 100 lần). Tuy nhiên, cùng với khó khăn chung của nghề nuôi tôm trên thế giới và Việt Nam những năm gần đây, nghề nuôi tôm tại Sóc Trăng cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng nuôi được cho là thay thế con tôm như cá chẽm, cá kèo, cá bông lau… có chi phí đầu tư cao, đầu ra không ổn định, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do thức ăn và chất thải chăn nuôi gây ra.
Nhằm phát huy thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào quá trình sản xuất và nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Giống Nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Sóc Trăng) đã đề xuất và được phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại khu vực ven biển tỉnh Sóc Trăng” (thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025).
Mô hình nuôi mang lại giá trị cao
Với mục tiêu ứng dụng thành công công nghệ nuôi tôm sú kết hợp với các đối tượng nuôi phù hợp khác, có giá trị kinh tế cao (cá đối mục, cá măng) theo hướng bền vững tại vùng cửa sông nhằm tăng hiệu suất vốn đầu tư, tạo ra sản phẩm đa dạng..., các cán bộ của dự án thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp đã chủ động tiếp nhận, hoàn thiện và làm chủ các quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm sú kết hợp với cá đối mục và cá măng từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III gồm: 1) Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá đối mục (Mugil cephalus) trong ao đất và (2) Quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tôm sú (Penaeus monodon) kết hợp với cá măng (Chanos chanos) trong ao đất; xây dựng được 9 điểm nuôi thương phẩm kết hợp cá đối mục với tôm sú trong ao đất (tổng diện tích 3,9 ha) và 9 điểm nuôi thương phẩm kết hợp cá măng với tôm sú trong ao đất (tổng diện tích 4,2 ha). Kết quả cụ thể: mô hình nuôi thương phẩm tôm sú kết hợp với cá đối mục: kích cỡ cá thu hoạch trung bình: đối với tôm là 25-30 con/kg, cá > 0,4 kg/con; tỷ lệ sống đối với tôm >70%, cá > 80%; năng suất đối với cá đạt 2-3 tấn/ha/vụ, tôm đạt 4-5 tấn/ha/vụ (thời gian nuôi 6-8 tháng). Mô hình nuôi thương phẩm tôm sú kết hợp với cá măng: kích cỡ cá thu hoạch trung bình đối với tôm là 20-30 con/kg, cá > 0,5 kg/con; tỷ lệ sống đối với tôm >70%, cá >80%; năng suất đối với cá đạt 2,5-3 tấn/ha/vụ, tôm đạt 4-5 tấn/ha/vụ (thời gian nuôi 6-8 tháng/vụ).
Nếu tính theo giá bán trên thị trường tại các điểm nuôi, dao dộng từ 219.000-240.000 đồng/kg đối với tôm sú, từ 97.000-105.000 đồng/kg đối với cá măng và từ 90.000-113.000 đồng/kg cá đối mục, thì tỷ suất lợi nhuận tại các hộ nuôi đạt từ 79,79-95,24% (trung bình 89,04%). Trong đó, lợi nhuận mang lại từ mô hình nuôi tôm sú kết hợp cá măng dao động từ 58.065-72.775 đồng/m2 và tôm sú kết hợp cá đối mục dao động từ 59.218-89.387 đồng/m2.
Bên cạnh đó, dự án đã tiến hành đào tạo, tập huấn công nghệ cho 5 kỹ thuật viên và trên 300 lượt nông dân về đặc điểm sinh học của tôm sú, cá đối mục, cá măng (đặc điểm phân loại, phân bố, hình thái, dinh dưỡng, sinh trưởng, sinh sản); kỹ thuật nuôi thương phẩm tôm sú kết hợp cá đối mục, cá măng gồm: kỹ thuật chọn vị trí nuôi, thiết kế, xây dựng, cải tạo ao nuôi; kỹ thuật thả giống, chăm sóc, quản lý môi trường ao nuôi. Ngoài hiệu quả kinh tế - xã hội đã mang lại, dự án cũng đã góp phần bảo vệ, giảm áp lực lên môi trường tự nhiên. Việc triển khai xây dựng thành công các mô hình nuôi thương phẩm này còn giúp tận dụng nguồn thức ăn (từ thức ăn dư thừa, mùn/bã hữu cơ của tôm), thành chuỗi thức ăn cho cá đối mục, cá măng, giúp tăng hiệu suất bắt mồi cũng như khả năng tiêu hóa và hấp thu khi sử dụng thức ăn của tôm sú, đồng thời góp phần hạn chế đáng kể lượng chất thải của quá trình nuôi.
*
* *
Việc áp dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng con giống là một yêu cầu tất yếu và phù hợp với xu thế của thị trường. Do đó, để nâng cao hiệu quả mô hình, các cơ quan liên quan nên xem xét, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ các đơn vị đã tham gia dự án được vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện tối ưu cho hoạt động duy trì và nhân rộng kết quả sau khi dự án kết thúc. Đặc biệt, cần ưu tiên đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi và hạ tầng cơ sở tại vùng nuôi tôm một cách đồng bộ; mở rộng diện tích nuôi theo hình thức công nghiệp, bán công nghiệp, hình thành vùng nuôi tôm tập trung theo công nghệ cao; đầu tư con giống, xử lý bảo vệ môi trường, tăng cường công tác quản lý giá thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện cho ngư dân vay vốn, đào tạo nguồn lao động có kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất. Ngoài việc thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp chế biến với người sản xuất, cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, giúp người dân yên tâm sản xuất.
Đinh Văn Lộc