Tiềm năng từ nấm sò xám
Nấm sò xám là một loại nấm mới du nhập vào Việt Nam những năm gần đây, có nhiều đặc điểm vượt trội so với nấm sò khác như có hình dùi trống, mũ nấm màu xám đen, lớn dần hình lá, phình to phía trên, mũ nấm có màu xám nhạt, ở mặt sau phía trên có rãnh rõ nét, có lông trắng mịn ở cuống, quả thể to, dai, ít bị dập nát, mùi thơm nhẹ, có vị ngọt, cánh dầy, giàu dinh dưỡng, mọc thành từng cụm phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng... Đặc biệt nấm sò xám phát triển tốt ở điều kiện nhiệt độ thấp, thích hợp trồng trong các tháng mùa đông, có nhiệt độ từ 10-20oC. Theo quy luật, cây nấm to mọc ở giữa, nấm nhỏ mọc ngoài, cụm lớn, nhiều cụm, năng suất trung bình đạt 0,8-1,2 kg/bịch, nhiệt độ thích hợp từ 15-22oC.
Vào những tháng giáp tết, người dân có nhu cầu sử dụng nấm sò xám cao nhưng sản lượng nấm ra trong nước khá ít, không đủ cung cấp cho thị trường nên giá nấm luôn ở mức cao. Do vậy, việc nuôi trồng nấm sò chịu lạnh để đáp ứng lượng nấm tạo ra cho thị trường sẽ mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất.
Nhận thấy nấm sò xám có tốc độ sinh trưởng nhanh, chất lượng tốt, thời gian nuôi trồng ngắn, năng suất cao hơn các loại nấm sò khác, chịu được nhiệt độ thấp do đó người dân có thể trồng trong những tháng nhiệt độ thấp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu về quy trình nhân giống và nuôi trồng loài nấm này ở Ninh Bình, từ thực tế này, Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình đã tiến hành đề xuất thực hiện đề tài “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình nuôi trồng nấm sò xám trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” (2019-2021). Góp phần lưu giữ, bảo tồn nguồn gen quý và tìm ra môi trường dinh dưỡng phù hợp để xây dựng quy trình nhân giống và nuôi trồng hoàn chỉnh từ đó phát triển nghề trồng nấm tại Ninh Bình và một số tỉnh lân cận.
Nhân giống thành công nấm sò xám trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Giống nấm sò xám đã được nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Ứng dụng, Thông tin khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm Ninh Bình lưu trữ, bảo quản kỹ càng, lựa chọn ống gốc, có sợi khỏe, tia sợi rõ, không nhiễm vi sinh vật để nhân giống. Theo tìm hiểu của nhóm nghiên cứu, giống nấm sò xám sinh trưởng mạnh, tốc độ lan sợi nhanh, thời gian nhân giống cấp I khoảng 8 ngày, thời gian nhân giống cấp II, III là 11 ngày. Giống nấm sau khi thu được có màu trắng, hệ sợi mịn, phân bố đồng đều, tia sợi rõ, có mùi thơm, sạch bệnh.
Để việc triển khai xây dựng mô hình nuôi trồng thuận lợi, Trung tâm đã tiến hành khảo sát và lựa chọn 2 hộ dân có đủ điều kiện về nhà xưởng, lò hấp, nguồn vốn, lao động để tham gia mô hình. Các hộ tham gia mô hình đã được Trung tâm hỗ trợ giống nấm, mùn cưa, cám gạo, cám ngô, bông, túi nilon và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Các hộ dân đã tiến hành nuôi trồng thử nghiệm 7.000 bịch nấm sò xám sử dụng mùn cưa cao su, xử lý nguyên liệu bằng vôi bột (0,5%). Trộn đều nguyên liệu và điều chỉnh độ ẩm khoảng 65% và vun thành đống ủ trong vòng 15 ngày. Sau khi ủ nguyên liệu xong phối trộn thêm 10% cám gạo; 13,1% cám ngô; 1,5% CaCO3; 0,28% (NH4)2SO4; 0,15% MgSO4; 1,5% superphosphate, điều chỉnh độ ẩm 65%, tiến hành đóng bịch có kích thước 25x35 cm, nặng khoảng 1,8-2 kg, đưa đi hấp khử trùng ở 100oC trong 6 tiếng, để nguội. Mỗi bịch cấy từ 15-20 g giống nấm cấp III.
Sau 2-3 ngày giống nấm bắt đầu bung sợi, sợi nấm lan từ vai bịch xuống phía dưới, sau 25 ngày ươm, sợi nấm ăn kín bịch. Trong quá trình ươm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện và kịp thời xử lý một số loại nấm mốc xanh, mốc đen nhằm tránh bị nhiễm sang các loại nấm xung quanh. Sau khi sợi nấm ăn kín bịch, tiến hành treo bịch lên dây hoặc để lên giàn giá, các bịch cách nhau từ 10-15 cm, giữa các dãy để lối đi 50-70 cm. Mỗi bịch rạch 7-8 vết, dài 3-4 cm; sâu 3-5 mm, sau khi rạch, tiến hành tưới nền ẩm hàng ngày, sau 4-5 ngày xuất hiện mô sẹo ở vết rạch, tưới phun sương vào bịch. Sau 10-12 giờ mô sẹo phân hóa thành cụm nấm có từ 40-60 cánh nấm nhỏ li ti, ban đầu có hình dùi trống kích thước từ 3-5 mm, sau đó mũ nấm to dần có dạng hình tròn, lõm ở giữa, lớn dần lên dạng hình bán cầu lệch và khi già có dạng hình lục bình, có kích thước mũ nấm từ 5-7 cm, cuống dài 8-10 cm, trọng lượng mỗi cụm từ 0,15-0,35 kg. Trong quá trình chăm sóc tuỳ theo thời tiết có chế độ tưới phù hợp, độ ẩm không khí cao tưới 1-2 lần/ngày, nếu độ ẩm không khí thấp tưới 3-4 lần/ngày, đảm bảo độ ẩm trong lán từ 80-90%. Từ khi mầm xuất hiện đến khi thu hoạch từ 2-3 ngày tùy theo điều kiện thời tiết, khi nhiệt độ môi trường và độ ẩm cao nấm phát triển nhanh cần thu hái sớm để nấm không quá già, khi nhiệt độ thấp thời gian nấm phát triển dài hơn, quả thể đạt kích thước từ 2,5-4 cm, chiều dài cuống từ 5-7 cm nên tiến hành thu hái, không nên để quả thể quá to nấm bị dai, sau khi hái xong tiến hành cắt chân có dính mùn cưa và đóng túi.
Quá trình kiểm tra, chăm sóc nấm sò xám tại các hộ nuôi trồng.
Trong quá trình thực hiện cần thường xuyên thanh trùng phòng cấy, nhà ươm, nhà nuôi trồng bằng bột lưu huỳnh hoặc phoóc môn 0,5%. Nhà ươm phải sạch sẽ, thoáng mát, có độ ẩm 60-70%, ánh sáng yếu, nhiệt độ 20-25oC. Ở giai đoạn ra quả, cần đảm bảo nhà nuôi trồng sạch sẽ, thông thoáng, nhiệt độ 15-20oC, độ ẩm không khí 80-90%, ánh sáng tán xạ, kín gió.
Nấm sò xám của mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau quá trình triển khai mô hình cho thấy, kết quả nấm sò xám sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao từ 550-600 kg/1 tấn nguyên liệu cao hơn 1,5-2 lần so với nấm sò khác. Nấm sò xám của nhóm nghiên cứu có vị giòn, ngọt phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, giá bán từ 25-35 nghìn đồng/kg, cho lãi 4-6 triệu đồng/1 tấn nguyên liệu. Kỹ thuật trồng nấm sò xám không quá phức tạp, qua đó nhóm nghiên cứu của Trung tâm đã làm chủ được quy trình phân lập, nhân giống và nuôi trồng có thể chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu mở rộng mô hình sản xuất.
Từ kết quả trên cho thấy, giống nấm sò xám thích hợp với điều kiện của Ninh Bình và quy trình kỹ thuật phù hợp với trình độ nuôi trồng của người dân. Mô hình tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng được nhu cầu thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận, đưa giống mới, kỹ thuật mới vào sản xuất giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.